Chậu ngọc bịt vàng

Nhà Nguyễn là triều đại rất coi trọng những giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là các nghi thức, nghi lễ trong hoàng cung. Với nền tảng xã hội luôn đề cao Phật giáo và Nho giáo, các vua nhà Nguyễn đặc biệt coi trọng việc xây dựng chùa chiền và tôn miếu để thờ cúng tổ tiên. Xã hội luôn đề cao việc “Hiếu, Kính, Lễ, Nghĩa” và lấy đó là một trong những chuẩn mực của xã hội.

Để phục vụ các nghi thức, nghi lễ tại triều đình, rất nhiều đồ vật đã được tuyển chọn, sản xuất riêng bởi những thợ thủ công giỏi. Những tư liệu trước đây ghi chép rằng: “Các đồ vật trong cung được quản lý rất chặt chẽ, nhiều đồ vật chỉ được mang ra dùng trong đại lễ sau đó được niêm phong, cất giữ chờ dịp lễ khác”.

Chậu ngọc (còn gọi là quán tẩy) là vật dành cho vua rửa tay khi cử hành các đại lễ trong triều đình. Đây là một trong những vật dụng rất quý hiếm, chỉ xuất hiện trong các đời sống của các bậc vương cung đình. Chậu có vành miệng rộng, loe ngang, thành vát đáy bằng, trong lòng chạm nổi cành hoa lá cúc. Trên vành miệng được bọc vàng dát mỏng (cả mặt trên và mặt dưới). Mặt trên trang trí hai đường gờ nổi tạo bằng hạt chuỗi, bên trong đường diềm cẩn các loại đá quý hình 4 con cá (làm theo cặp), 4 hình con dơi chầu chữ thọ. Xen giữa là các mảng được cẩn các viên đá quý, ngọc, san hô nhiều màu sắc được chế tác rất tinh xảo.

Vành ngoài khắc một số chữ Hán nhỏ “Bát ngũ tuế kim, cộng trọng thập thất lượng, nhất tiền thất phân” Tạm dịch: vàng tám tuổi rưỡi, tổng cộng mười bảy lượng, một chỉ tám phân.

Chậu ngọc được Ngự xưởng triều Nguyễn chế tác vào thế kỷ 19.