Đỉnh ngọc có nắp
Đỉnh là một trong những đồ thờ cúng linh thiêng không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên của người Việt xưa. Đỉnh và lư là nơi để đốt trầm tạo ra mùi thơm, bởi theo quan niệm từ xưa hương thơm thể hiện lòng thành, sự thanh khiết cao quý; về mặt tâm linh thì hương trầm hoá giải được hung khí tăng thêm cát khí, chấn hưng cho không gian thờ cúng.
Đỉnh được làm từ loại đá ngọc, trong suốt, bao gồm hai phần chính là thân và nắp. Thân đỉnh tròn đều, có bụng phình; cổ thắt, miệng đứng, có gờ âm để gắn lắp. Quanh thân đỉnh để trơn, mài bóng không trang trí. Phần nắp đỉnh được làm loại đá ngọc cùng loại, có gờ khớp với miệng. Quanh nắp được trang đầu voi, có lồng vòng tròn trang trí cách đều nhau. Trên đỉnh của nắp được tạo thành hình cầu, làm núm cầm, chính giữa có một lỗ tròn lớn.
Hai bên thân của đỉnh được trang trí hai tai nổi lớn hình đầu rồng cao hơn vai của đỉnh, có phần râu gắn vào thân bình tạo một khoang rỗng, lồng hai khuyên tròn nhỏ rời để trang trí.
Đỉnh có 3 chân tròn 9dạng chân quỳ) được bố trí cân đối, đều nhau đỡ lấy bụng của đỉnh.
Loại đỉnh này được dùng thờ cúng hoặc trang trí trong thư phòng của Cung đình triều Nguyễn.
Đỉnh do Ngự xưởng triều Nguyễn chế tạo vào khoảng thế kỷ 19-20.