Đỉnh ngọc có nắp

Đỉnh là một trong những đồ thờ cúng linh thiêng không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên của người Việt xưa. Đỉnh và lư là nơi để đốt trầm tạo ra mùi thơm, bởi theo quan niệm từ xưa hương thơm thể hiện lòng thành, sự thanh khiết cao quý; về mặt tâm linh thì hương trầm hoá giải được hung khí tăng thêm cát khí, chấn hưng cho không gian thờ cúng.

Đỉnh chạm bằng khối đá ngọc, màu trắng đục và xám vàng. Đỉnh có miệng hình chữ nhật, hai bên có quai hình cánh sen có gắn khuyên tròn. Xung quanh thân chạm các đường gờ nổi hình đốt trúc. Bốn chân đỉnh được làm hình chân quỳ.

Nắp chạm bằng đá ngọc màu trắng xám hình thang, chỏm nắp chạm hình kỳ lân đứng, mặt quay về phía chính diện. Đế đỉnh được chạm gỗ quý, hai cấp với 4 chân quỳ màu nâu đen.
Đỉnh ngọc này sử dụng để thờ cúng hoặc trang trí trong thư phòng thuộc Hoàng cung triều Nguyễn.

Đỉnh do Ngự xưởng chế tác vào khoảng thế kỷ 19.