Thẻ bài (Ngọc bài) Đông cung hoàng thái tử
Trong những di sản văn hóa triều Nguyễn để lại, thẻ bài được cho là loại cổ vật có giá trị lịch sử, mỹ thuật rất cao. Thẻ bài có thể được chia làm các loại cơ bản như: loại thưởng cho công trạng của các vị đại thần, người trong hoàng tộc nay các binh sĩ có công với triều đình và kèm theo những ân huệ nhất định. Loại khác cũng là một phần “phục trang” đặc biệt, nhằm phân biệt địa vị, phẩm hàm của những hạng người khác nhau.
Thẻ bài được làm từ loại đá ngọc, có màu trắng đục, gồm 2 phần thân thẻ bằng đá ngọc và dây đeo bằng kim loại.
Phần thân thẻ được làm hình chữ nhật gắn liền với phần đầu để buộc dây đeo. Thẻ được trang trí hai mặt, có nhiều nét tương đồng nhau bằng kỹ thuật chế tác “chạm thủng”. Quanh viền được trang trí hoa văn là đường khắc chìm bẻ góc nối tiếp nhau.
Bên trong được khắc trang trí đôi rồng theo chiều thẳng đứng, đuôi ở trên, phần đầu ngóc cao chầu hàng chữ ở giữa.
Mặt trước khắc nổi hàng chữ Hán nạm vàng “Khải định trân bảo” – 啟定珍寶. Mặt sau có khắc nổi 4 chữ Hán nạm vàng“Đông cung hoàng thái tử ” – 東宮皇太子
Phần đầu thẻ được làm cách điệu, hai mặt trang trí hình hổ phù bằng kỹ thuật chạm khắc.
Phần dây đeo được kết bằng các sợi kim loại màu vàng, gắn liền với thẻ bằng một lỗ và buộc vào tai thẻ. Trên quai, ngoài dây đeo còn có 2 khối hình cầu được kết từ các dây kim loại rất nhỏ, mỗi khối gắn 4 viên “đá”nhỏ không màu để trang trí.
Thẻ bài ngọc được xác định là của Hoàng Thái tử Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (tức Vua Bảo Đại) sử dụng trước khi ông lên ngôi.
Thẻ bài được Ngự xưởng triều Nguyễn chế tác vào đầu thế kỷ 20.