Thủy trì

Văn phòng tứ bảo trước kia được hiểu là tức là bốn thứ quý dùng trong thư phòng gồm: bút, nghiên, giấy và mực. Tuy nhiên, quan niệm này cũng chỉ mang tính chất tương đối và ước lệ tùy theo cảm nhận của mỗi người. Về sau, “văn phòng tứ bảo” được hiểu rộng hơn tới các vật dụng liên quan khác như: chặn giấy, ống bút, gác bút, thủy trì…

Thủy trì là vật rất quan trọng khi viết chữ Hán. Thủy trì là đồ để đựng nước, dùng để mài mực hoặc son và rửa bút sau khi viết. Cùng với nghiên, thủy trì luôn được coi là những thứ quý giá đối với các bậc nho sĩ, chúng thường được làm từ những chất liệu quý, bởi những thợ thủ công lành nghề nhất.

Thủy trì được làm từ loại đá ngọc màu trắng đục, có nhiều vết vân đá màu nâu đỏ chạy trong thân. Thủy trì có cấu tạo khá đặc biệt, bao gồm 2 lớp, lớp trong được làm hình cầu, được cách điệu dưới dạng một bông hoa 5 cánh, xếp so le nhau (có phần nhụy hoa nổi ở giữa lòng bát). Lòng thủy trì tuy kín nhưng không bằng phẳng, thành miệng không đều do được cách điệu từ giống các cánh hoa.

Thành ngoài thủy trì, được chạm lọng một cành hoa nổi lớn, bao chùm quanh miệng, thân và phía dưới của bát tạo thành vật trang trí, tay cầm và chân đế. Nhiều cành hoa, lá được làm cách rời thân bát, rồi cuộn lại phía miệng, tạo ra những khoảng trống quanh thành bát.

Nhìn tổng thể, bát giống như một cành hoa, lá cuộn lại bao trùm quanh thân (là một bông hoa hải đường). Một góc miệng được chạm nổi một con vật “con quỳ” hai chân bám vào thành miệng, hai chân còn lại bám vào cành hoa.

Đây là vật dùng trong thư phòng thuộc cung đình triều Nguyễn, do ngự xưởng chế tạo vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.