ÁO DÀI CƯỚI
– Chất liệu: Vải, đính hạt kim sa.
– Màu sắc: Hồng.
– Kích thước: Dài 1,32m.
– Kỹ thuật chế tác: May thủ công.
– Địa điểm và thời gian sưu tầm: Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng; năm 2009.
Nội dung hiện vật
Áo dài là trang phục truyền thống và là nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Trải qua nhiều thời kỳ, thiết kế áo dài phụ nữ có sự biến đổi, nhưng vẫn luôn đảm bảo yếu tố truyền thống, tôn được vẻ đẹp dịu dàng, hấp dẫn của người phụ nữ Việt Nam. Áo dài được cách tân từ áo ngũ thân, thường may bằng các loại lụa tơ tằm, lụa tổng hợp, gấm, nhung…, gồm có 3 phần:
– Cổ áo: cao khoảng 4 – 5cm, có lót vải cứng ở trong cho đứng.
– Tay áo: dài đến cổ tay, trên rộng dưới hẹp dần.
– Thân áo: gồm 2 thân trước và sau, dài từ vai xuống cách bàn chân khoảng vài tấc. Chít ly ở ngực (thân trước) và ở lưng (thân sau). Cài cúc bấm theo đường chéo từ cổ xuống nách áo.
Đây là áo dài của bà Lê Thị Lang, sinh năm 1945 tại Đà Lạt. Chiếc áo này bà may tại một tiệm may ở Đà Lạt để mặc trong ngày cưới, vào năm 1965. Bà luôn sử dụng chiếc áo trong những dịp lễ tết những năm 60 của thế kỷ XX.
Ngày nay, áo dài đã được cách tân với nhiều kiểu dáng phong phú, độc đáo, khác trước rất nhiều, nhưng vẫn giữ vẻ đẹp của trang phục truyền thống nổi tiếng.