BÀN ỦI CON GÀ

– Chất liệu: Kim loại, gỗ.
– Hình dạng và kích thước: Thể khối; dài 19cm, rộng 10cm, cao 19cm.
– Kỹ thuật chế tác: Công nghiệp.
– Địa điểm và thời gian sưu tầm:Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng; năm 2010.

Nội dung hiện vật

Trong quá trình di cư đến Đà Lạt lập nghiệp, người Việt từ các vùng miền đã mang theo nhiều vật dụng từ quê nhà. Ngày nay, nhiều vật dụng trở thành những hiện vật quý giá mang đậm dấu ấn thời gian. Một trong những vật dụng đặc trưng và phổ biến nhất là Bàn ủi con gà.

Đây là Bàn ủi con gà của bà Nghiêm Thị Tỵ, sống tại phường 6, thành phố Đà Lạt, sử dụng trong thập niên 40 của thế kỷ XX. Bàn ủi con gà đã xuất hiện ở Pháp cách đây hơn 200 năm, nhằm ủi phẳng âu phục lúc bấy giờ. Theo chân người Pháp vào Việt Nam, Bàn ủi con gà dần trở thành vật dụng quen thuộc ở nhiều gia đình từ thời Pháp thuộc và vẫn còn được sử dụng phổ biến tới thập niên 90 của thế kỷ XX. Tên gọi “Bàn ủi con gà”, do trên nắp bàn ủi có tượng một con gà trống, một đặc trưng độc đáo của loại bàn ủi này.

Bàn ủi con gà sử dụng than đốt nóng để tạo nhiệt và dùng sức nặng của bàn ủi để ủi phẳng quần áo. Bàn ủi con gà có hai phần chính là thân và nắp, thường được đúc bằng kim loại (đồng, gang), riêng tay cầm trên nắp làm bằng gỗ để cách nhiệt. Thân bàn ủi rỗng để đựng than đốt nóng. Con gà trên nắp chính là chỗ bật chốt giữ nắp bàn ủi. Khi muốn ủi đồ, trước tiên cần đốt nóng than, sau đó bật chốt con gà mở nắp sang một bên để cho than nóng vào thân bàn ủi. Sau đó đậy nắp, đóng chốt con gà lại, chờ cho thân bàn ủi nóng lên là có thể ủi. Quần áo trước khi ủi cần phải làm ẩm bằng cách rảy nước lên vải để không bị cháy, vì nhiệt độ bàn ủi không dễ dàng điều chỉnh như bàn ủi điện sau này. Cấu tạo kim loại làm cho bàn ủi con gà có khối lượng khá nặng, tạo sức ép để quần áo có thể phẳng nhanh hơn.