BÁT ĐIẾU

– Chất liệu: Sứ, gỗ, đồng.
– Kích thước: Đường kính mặt 20cm; đường kính đáy 13,5cm; chiều cao 13cm.
– Hình dạng: Phần đựng bát điếu bằng gỗ,miệng bẻ loe, đáy bằng: bát sứ bầu tròn.
– Kỹ thuật chế tác: Thủ công
– Địa điểm và thời gian sưu tầm:Thành phố Đà Lạt, năm 2010.

Nội dung hiện vật

Những năm đầu thế kỷ XX, những vật dụng thường thấy trong phòng khách một gia đình trung lưu đất Hà thành bao gồm sập gụ, tủ chè, trên đó bày biện bộ ấm chén Bát Tràng và chiếc bát điếu.

Bát điếu chủ yếu được làm bằng gốm hoặc sứ, dạng bầu tròn, đường kính khoảng bằng chiếc bát ăn cơm, dưới đáy có bầu đựng nước, được đặt trong chiếc bát có đường kính to hơn. Trên miệng bát điếu có lỗ điếu, còn gọi là nõ điếu. Khi hút, sợi thuốc được vê thành những viên tròn nhồi vào nõ, sau đó bật lửa châm vào thuốc và rít mạnh vào ống hút. Khi rít, lửa sẽ đốt cháy sợi thuốc, khói thuốc quyện vào nước ở bầu, hai luồng âm dương hoà quyện vào nhau, tạo cho người hút cảm giác đê mê rất đặc trưng của thuốc lào.

Bát điếu này của cụ Nguyễn Văn Sửu, sinh năm 1913, quê quán Bắc Ninh. Năm 1945, cụ vào Đà Lạt lập nghiệp, mang theo chiếc bát điếu này để hút thuốc lào. Những khi cụ rãnh rỗi ngồi uống trà, nói chuyện với mọi người, thường không thể thiếu chiếc bát điếu. Cụ Sửu sử dụng bát điếu này cho đến tận những năm cuối đời.