BÌNH VÔI

– Chất liệu: Gốm.
– Màu sắc: Xám trắng.
– Hình dạng và kích thước: Hình cầu; cao 12cm, chu vi bụng 26,5cm..
– Kỹ thuật chế tác: Thủ công.

Nội dung hiện vật

Ăn trầu là tập quán phổ biến của một số dân tộc ở vùng nhiệt đới châu Á và châu Đại Dương. Người ta nhai hỗn hợp gồm lá trầu không với cau và một số nguyên liệu khác (như vôi tôi, thuốc lá…). Đây được coi là cách để làm thơm miệng và là nghi thức xã giao ở một số nước Đông Nam Á.

Ở Việt Nam, phong tục ăn trầu có từ ngàn năm tước. Trầu cau đã đi vào đời sống vật chất và tinh thần người Việt, trở thành biểu tượng của tình nghĩa vợ chồng thủy chung son sắc. “Miếng trầu là đầu câu chuyện” trở thành một nét truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp. Nguyên liệu ăn trầu thường gồm lá trầu (loại lá có màu xanh sẫm bóng và có các gân nổi rõ ở mặt bên dưới), quả cau (có màu xanh ánh vàng, xấp xỉ quả trứng gà) và ít vôi (loại vôi tôi để lâu, nhão, màu trắng hoặc màu hồng)… Bộ dụng cụ ăn trầu gồm cơi đựng trầu, bình vôi, chìa vôi, ống nhổ, dao bổ cau, ống ngoáy, chìa ngoáy… được làm bằng đồng, bạc, gốm… Một số dụng cụ có chạm trổ, vẽ hoa văn, phong cảnh quê hương đất nước, hoa lá hay chim thú rất đẹp, cho thấy chủ nhân thuộc tầng lớp giàu sang hay bình dân.

Trong bộ dụng cụ ăn trầu thì bình vôi (dùng đựng vôi) là vật quan trọng không thể thiếu, thường làm bằng gốm, nhưng cũng có khi bằng kim loại. Bình vôi thường có dáng tròn dẹp, trổ một miệng tròn nhỏ ở vai bình, chân có đế, trên chóp có quai xách.

Đây là bình vôi của bà Nghiêm Thị Tỵ, quê quán Hà Tây (Hà Nội). Năm 1945, bà theo chồng vào Đà Lạt sinh sống và đã mang theo bình vôi để sử dụng.