BỨC HOÀNH PHI
– Chất liệu: Gỗ.
– Màu sắc: Đỏ, đen, vàng.
– Hình dạng và kích thước: Cuốn thư; dài 185cm, rộng 82cm.
– Kỹ thuật chế tác: Thủ công.
– Địa điểm và thời gian sưu tầm: Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng; năm 1976.
Nội dung hiện vật
Hoành phi là tấm biển gỗ có khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm, được đặt phía trên bàn thờ của tổ tiên hoặc bàn thờ tại các đình, chùa, đền, miếu… Hoành phi được chạm khắc tỉ mỉ, sơn son thếp vàng, trang trí cầu kỳ, có bức còn được mạ vàng làm tăng vẻ sang trọng, quý phái. Thông thường, hoành phi có nội dung chính ở giữa bằng chữ Hán đại tự, bên phải là một vài câu thơ, bên trái là thông tin về niên đại, tên người viết hoặc người tặng… Hoành phi có nhiều kích thước khác nhau, là hiện vật trang trí không thể thiếu ở các gia đình khá giả trong thời phong kiến. Hoành phi thường có từ 2 – 5 chữ đại tự, kèm thêm hai dòng “lạc khoản” đề ngày tháng và tên người tặng, thường khắc những câu cầu chúc tổ tiên, hay nguyện cầu, mong ước, hoặc giáo dục, nhắc nhở người đời sau tôn kính và nối tiếp truyền thống tốt đẹp của tiền nhân.
Bức hoành phi này khá độc đáo với hình dạng một cuốn thư, được chạm khắc hoa văn tinh tế, tỉ mỉ với các hoạ tiết hoa lá, sơn son thếp vàng. Nội dung chính của bức hoành phi được viết bằng ba chữ Hán với kiểu chữ khải chân phương: “Dụ ư nghĩa” (“Dụ” nghĩa là bảo rõ, “Ư”nghĩa là ở, “Nghĩa” là lẽ phải, nghĩa là: chỉ bảo mọi người tất phải dùng đúng lý lẽ). Bên phải của bức hoành phi viết niên đại năm Mậu Dần, niên hiệu Bảo Đại, do Nghị Viên Tiên sinh viết. Bên trái bức hoành phi có ghi: Hà Thành bát phẩm văn giai Gia sư Lê tiến tặng Tuế Trang tiếp nhận.
Tuy nội dung bức hoành phi ngắn gọn, nhưng ý nghĩa tinh thần lại vô cùng quan trọng. Người được tặng bức hoành phi này phải là người có đức độ, có tầm ảnh hưởng đến nhiều người và được người tặng kính trọng.