ĐÈN MĂNG-XÔNG
– Chất liệu: Kim loại, thủy tinh.
– Hình dạng và kích thước: Thể khối; đường kính chao đèn 29cm, đường kính đáy 16,5cm, cao 41cm.
– Kỹ thuật chế tác: Công nghiệp
– Địa điểm và thời gian sưu tầm: Thành phố Đà Lạt, tỉnh lâm Đồng; năm 2010.
Nội dung hiện vật
Trước đây, khi việc dùng điện chưa thông dụng, các loại đèn dầu là vật dụng thắp sáng vào ban đêm của các gia đình Việt Nam.
Đèn măng-xông (Manchon) được thắp bằng dầu hỏa nén trong bình, dưới sức ép qua một hệ thống bơm bằng tay. Khi mở van, sức ép phun dầu lên qua một lỗ thoát rất nhỏ theo một ống tuýp bằng đồng (để chịu được nhiệt độ cao), dẫn đến “đầu đốt” làm bằng sành, đặt ở phần trên của đèn và nằm bên trong cái măng-xông. Tại đây, vì đầu đốt đã được hun nóng trước nhờ lửa mồi, nên tia dầu biến thành hơi và phực cháy. Măng-xông là cái lưới bằng chỉ cotton có tẩm loại hoá chất đặc biệt, khi cháy phát ra ánh sáng trắng tự nhiên có độ sáng mạnh. Đèn có quai treo để máng lên xà nhà hay có thể đặt trên bàn. Đèn măng-xông được sử dụng nhiều ở miền Trung, bà con ngư dân thường dùng đèn để đánh bắt hải sản, nhất là câu mực.
Chiếc đèn măng-xông này có nguồn gốc sở hữu từ ông Nguyễn Bạo (sinh năm 1923, quê quán Hải Dương), chuyển vào Đà Lạt sinh sống và lập nghiệp từ năm 1936. Đến năm 1953, ông cất nhà và mua chiếc đèn măng-xông này về sử dụng cho đến sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.