ỐNG ĐỰNG VÔI BẰNG BẠC

– Chất liệu: Bạc.
– Kích thước: Cao 2,5cm.
– Hình dạng: Hình trụ.
– Kỹ thuật chế tác: Công nghiệp.
– Địa điểm, thời gian sưu tầm: Thành phố Đà Lạt, năm 2008.

Nội dung hiện vật

Tương truyền tục ăn trầu có từ thời Hùng Vương, gắn liền với câu chuyện cổ tích cảm động về tình cảm anh em, vợ chồng. Từ đó, tục ăn trầu đã phổ biến ở mọi tầng lớp, từ bình dân đến quý tộc, cung đình, trở thành một nết đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. “Miếng trầu là đầu câu chuyện” giúp con người gần gũi, cởi mở với nhau hơn. Miếng trầu nhân lên niềm vui khi khách đến chơi nhà được mời trầu; tiệc cưới có đĩa trầu để chung vui; ngày lễ tết miếng trầu mời người lạ để làm quen, kết bạn; với người quen miếng trầu là tri ân, tri kỷ. Miếng trầu còn biểu hiện sự thành kính của thế hệ sau với thế hệ trước qua mâm cỗ thờ cúng gia tiên, tế lễ thần linh…

Trong bộ dụng cụ ăn trầu, bình vôi là vật quan trọng nhất. dùng chứa vôi đã tôi, sền sệt, màu trắng để ăn với trầu cau. Bình thường có dáng tròn vẹt, trổ một lỗ tròn làm miệng ở vai bình, trên chóp có quai xách. Khi bình vôi đã cạn thì đổ thêm vôi đã tôi vào, lâu ngày lớp vôi cũ bám chặt vào thành bình phía trong và cứng dần, không dùng được nữa.

Là người con gái đất Hà Nam, cụ Nguyễn Thị Ký đã thấm nhuần phong tục truyền thống của quê hương mình và nhai trầu không thể thiếu trong sinh hoạt hằng ngày của cụ. Chính vì thế, khi từ Hà Nam vào Đà Lạt năm 1930, cụ mang theo bên mình các vật dụng trong tục ăn trầu, trong đó có chiếc bình đựng vôi bằng bạc này.