CẶP HOA TAI NGÀ VOI

– Chất liệu: Ngà voi.

– Màu sắc: Vàng ngà.

– Kỹ thuật chế tác: Thủ công.

– Địa điểm và thời gian sưu tầm: Xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng; năm 1999.

Thông tin hiện vật

Đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thích đeo các đồ trang sức để làm đẹp và thể hiện sự giàu có. Do đó, căng tai từng là một tập tục độc đáo và hoa tai bằng ngà voi từng là món trang sức không thể thiếu của phụ nữ dân tộc Mạ ở Lâm Đồng. Hoa tai bằng ngà voi thường được rất nhiều gia đình, dòng họ giữ gìn như báu vật. Người Mạ quan niệm vành tai to rộng, dái tai dài là tiêu chuẩn để đánh giá cái đẹp. Phụ nữ Mạ còn xem đây là tiêu chí để đánh giá một ai đó về sự lười biếng hay chịu thương, chịu khó (nếu lỗ tai (nơi đeo hoa tai) được căng to thì chứng tỏ người đó siêng năng, chăm chỉ).

Để căng tai, người Mạ thường dùng dùi nhọn hoặc gai cây chanh xuyên thủng một lỗ ở giữa dái tai, sau đó dùng nước gừng đun sôi để rửa hàng ngày. Thỉnh thoảng họ phải vê, xoay cái gai chanh hoặc lõi gỗ nhỏ được giữ lại sau khi xuyên, để giữ cho lỗ xuyên không liền lại. Khi vết xuyên lành hẳn, họ dùng lõi gỗ (hoặc tre) lớn hơn tiếp tục nong vào để căng cho lỗ to dần. Lỗ to đến một độ nhất định thì có thể dùng vòng lồ ô có dạng khuyên tròn để tiếp tục căng tai.

Theo quan niệm của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, lỗ tai căng càng to thì càng đẹp và càng chứng tỏ được sự quyền quý. Những người giàu có thường căng tai bằng ngà voi, những người nghèo thì căng tai bằng lồ ô. Hoa tai ngà voi sử dụng ở Tây Nguyên thường có xuất xứ từ Thái Lan, thông qua trao đổi hàng hóa, nhưng cũng có nơi họ tự săn voi, cắt lấy ngà và làm vật căng tai. Ngày nay, tục căng tai dần mất đi và những chiếc hoa tai ngà voi ít người còn sử dụng.

Danh mục: ,