CÀY
– Chất liệu: Gỗ, sắt.
– Kỹ thuật chế tác: Thủ công.
Thông tin hiện vật
Người Chu Ru ở Lâm Đồng đã định canh, định cư và làm ruộng từ lâu đời. Trồng trọt chiếm vị trí hàng đầu trong đời sống kinh tế và lúa là cây lương thực chủ yếu của họ. Ngoài ra, họ còn trồng ngô, khoai, sắn và một số loại rau, đậu trên rẫy hoặc trong vườn. Trong việc trồng lúa, Cày là nông cụ quan trọng hàng đầu.
Trước đây, người Chu Ru thường làm ruộng một mùa trong năm, trên hai loại ruộng là ruộng sâu (hoặc ruộng sình) và ruộng khô, với kỹ thuật canh tác khác nhau tùy vào đặc điểm của từng loại ruộng. Sau khi thu hoạch một thời gian, người Chu Ru tiến hành cày vỡ, sau đó bừa, cày trở, tiếp tục bừa lần thứ hai, kết hợp với việc bang đất cho bằng, rồi mới sạ giống.
Nông cụ cổ truyền của người Chu Ru còn rất thô sơ như cày, bừa, bang đất… đều chủ yếu bằng gỗ. Đến nay, họ không chỉ dùng lưỡi cày sắt, sức kéo trâu bò, mà còn biết sử dụng cơ giới trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, lối canh tác cổ truyền của người Chu Ru đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, nhất là việc làm thủy lợi nhỏ và điều tiết lượng nước trong từng thời kỳ sinh trưởng của cây lúa…