CHÓE

– Chất liệu: Gốm.

– Kỹ thuật chế tác: Thủ công.

– Địa điểm sưu tầm: Xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng; năm 1986.

Thông tin hiện vật

Khi bước lên những ngôi nhà sàn ở các buôn làng Tây Nguyên, ấn tượng đầu tiên là những chiếc chóe được xếp thành hàng theo thứ tự lớn, nhỏ ngay sát vách chính diện của ngôi nhà, như muốn phô bày vị thế của gia chủ.

Người Cơ Ho nói riêng và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung rất coi trọng chóe, xem đây không chỉ là vật dụng sinh hoạt hàng ngày mà còn là vật dụng quan trọng trong các lễ cúng thần linh, là sính lễ trong cưới hỏi, là tài sản chia cho người quá cố và là thước đo sự giàu có. Bất cứ lễ hội nào của họ cũng không thể thiếu vắng những chóe rượu cần. 

Đồng bào Tây Nguyên không tự sản xuất chóe mà chủ yếu qua trao đổi mới có được. Những loại chóe có giá trị cao, hoa văn cầu kỳ chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, Nhật Bản và các dân tộc phụ cận như Chăm, Khơme… được các thương nhân đưa lên vùng này qua đường bộ. Người Cơ Ho cho biết kinh nghiệm để xác định giá trị của chóe là dựa trên màu sắc và số tai trên thân chóe. Những chiếc chóe có giá trị thường được đổi bằng trâu, bò, hay những sản vật từ rừng như da hổ, da báo… Chóe được làm từ là đất sét, nung ở nhiệt độ cao và được tráng men. Chóe thường có kiểu dáng thường miệng bằng, thân phình và thon dần về đáy. Đối với các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, chóe có vị trí quan trọng trong gia đình và trong tâm thức mỗi người. Ngày nay, trong những ngôi nhà sàn hiện đại, chóe vẫn được trưng bày bên cạnh cây nêu, hoặc sử dụng đựng rượu cần trong các dịp lễ hội của buôn làng.

Danh mục: ,