DỤNG CỤ CÁN BÔNG
– Chất liệu: Gỗ.
– Màu sắc: Vàng nâu.
– Kỹ thuật chế tác: Thủ công.
Thông tin hiện vật
Người Mạ là một trong 3 dân tộc bản địa của Lâm Đồng, sống tập trung chủ yếu ở các huyện Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Với cuộc sống tự cung tự cấp trước đây, ngoài kinh tế nương rẫy và săn bắt, hái lượm, người Mạ còn có các nghề thủ công truyền thống, trongđó có nghề dệt thổ cẩm. Họ tự tạo ra các bộ trang phục cổ truyền của đàn ông là áo và khố, của phụ nữ là áo và váy dài qua gối.
Dụng cụ cán bông mà một trong những dụng cụ được sử dụng trong quá trình dệt vải của người Mạ, vừa dùng để tách hạt bông vừa làm cho bông tơi ra trước khi xe bông thành sợi. Bông là nguyên liệu chính để dệt thổ cẩm.Cây bông thường được trồng trên rẫy cũ (rẫy đã trải qua một mùa lúa). Bông sau khi thu hoạch được đem phơi nắng cho khô để bông có độ trắng rồi mới đem đi cán.Trước khi cán bông, họ dùng dụng cụ bật bông để tách hạt ra khỏi bông.
Dụng cụ cán bông được làm bằng gỗ khá công phu, gồm phần dưới có chân đế, phần trên có bộ phận tay quay, lô cán trên hai trục quay có cấu tạo rãnh xoắn ăn khớp với nhau có tác dụng tách hạt ra khỏi khối bông và làm bông tơi mịn.