GÙI
– Chất liệu: Tre, dây mây.
– Kỹ thuật chế tác: Thủ công.
Thông tin hiện vật
Gùi làsản phẩm quan trọng của nghề đan lát truyền thống, mộtvật dụng gắn bó thân thiết với cuộc sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Đây là một chiếc gùi chưa hoàn chỉnh, nhằm giới thiệu đến khách tham quan các công đoạn khi đan một chiếc gùi.
Gùi có nhiều loại hình và kiểu dáng khác nhau, như: Gùi thân tròn, một lớp, đan thưa (nan to) dùng đựng củi, rau, măng, hoặc đựng quả bầu khi đi lấy nước…; Gùi thân tròn, một lớp, đan dầy (nan nhỏ) dùng để đựng lúa, gạo, đậu, bắp…; Gùi thân tròn trang trí hoa văn rất đẹp dùng để đi chơi…
Những chiếc gùi của đồng bào thường được làm từ tre, hoặc các loài cây thuộc họ tre, nứa và song, mây. Dây mây được dùng để cạp miệng và đế gùi, đan quai gùi. Đế gùi thường được làm bằng song, mây hoặc vài loại gỗ mềm dẻo. Trong quá trình đan thân gùi, người ta tạo hoa văn trang trí bằng cách đan cài hoa văn màu đen, nâu đỏ (bởi các sợi nan đã được nhuộm màu bằng nhựa cây rừng), hoặc các nan cùng màu bằng cách lật mặt cật hoặc mặt lòng để có hai màu khác nhau. Thân gùi có thể được nẹp tre hoặc mây, ốp sát vào thân gùi bằng dây mây.
Gùi luôn là vật bất ly thân, nhất là với người phụ nữ Tây Nguyên, như một biểu trưng của tính chịu thương, chịu khó. Gùi không chỉ đơn thuần là dụng cụ để mang vác trong đời sống thường nhật, mà còn đi vào thơ ca, nhạc họa như một nét văn hóa đặc trưng, sâu sắc nhất trong tâm thức của đồng bào bản địa nơi đây.