LAO NGHI LỄ

– Chất liệu: Sắt, gỗ.

– Kỹ thuật chế tác: Thủ công.

Thông tin hiện vật

Lao nghi lễ sử dụng cho nghi thức đâm trâu trong các lễ hội của đồng bào Tây Nguyên,nhưlễ mừng lúa mới, mừng được mùa… Lễ hội của đồng bào Tây Nguyên mang nhiều bản sắc văn hóa độc đáo, thể hiện rõ tinh thần đoàn kết cộng đồng, tình yêu thiên nhiên, gắn với những tín ngưỡng cổ xưa.

Trong lễ hội trước đây, nghi thức đâm trâu là phần không thể thiếu, vừa thể hiện yếu tố văn hóa truyền thống, vừa mang ý nghĩa tâm linh và nhân sinh quan của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.

Lao nghi lễ có chiều dài hơn 2m. Lưỡi lao làm bằng sắt dày, mũi sắc nhọn. Cán lao làm bằng gỗ lim, trên cán có các khấc trang trí hoa văn. Phần cán gần lưỡi lao có nhiều vòng sắt ngoài tác dụng trang trí còn làm cho laochắc chắn hơn. Khi đâm trâu, người chủ tế sẽ dùng xà gạc nghi lễ chặt vào hai khuỷu chân sau của trâu cho nó quỵ xuống. Tiếp đó, họ dùng lao đâm vào mạn sườn trâu để kết thúc kiếp sống của nó. Sau lễ hội, Lao đâm trâu sẽ được đặt ở vị trí trang trọng trong nhà và không được sử dụng vào bất cứ việc gì khác.

Qua nghi lễ đâm trâu, đồng bào không chỉ hướng về thần linh, mà còn là dịp quây quần, bày tỏ tình cảm với nhau bằng điệu múa, lời ca, bằng tiếng cồng chiêng, tiếng trống, tiếng khèn… Quan trọng hơn, giữa các cá nhân có sự gắn kết cộng đồng, cùng nhau hy vọng, ước mong cho cuộc sống luôn yên bình, ấm no và hạnh phúc.

Danh mục: ,