XÀ GẠC
– Chất liệu: Sắt, tre.
– Kỹ thuật chế tác: Thủ công.
Thông tin hiện vật
Xà gạc là vật dụng sinh hoạt rất phổ biến, gần gũi, gắn bó trong đời sống hàng ngày của các dân tộc thiểu số ởLâm Đồng. Xà gạc giúp họ hạ gỗ dựng nhà, phát rẫy làm nương, dọn đường ra suối,phát cây rừng mở lối đi, giúp họ chống lại thú dữ, là vũ khí sát cánh cùng đồng bào chiến đấu đánh đuổi kẻ thù bảo vệ buôn làng, cộng đồng.
Xà gạc gồm có hai phần: lưỡi vàcán. Lưỡi Xà gạc được rèn bằng sắt, có hình chữ nhật, thường rộng từ 4-5cm, dài 25-30cm. Cán Xà gạc được làm từ phần gốc của cây tre già, có dáng cong như móc câu.
Với đàn ông Cơ Ho, Xà gạc như một người bạn thân thiết, một vật dụng bất ly thân từ lúc trưởng thành cho đến khi về bên kia thế giới. Trong lễ đặt tên của một cậu bé Cơ Ho, bao giờ gia đình cũng phải chuẩn bị trước một cây Xà gạc chưa có chủ nhân để làm vật thiêng cho cậu bé chạm tay vào. Khi cậu bé đến tuổi trưởng thành, người bố sẽ dùng chính chiếc Xà gạc ấy đặt lên vai con trai với ý nghĩa gửi gắm toàn bộ những ước mơ, khát vọng mà đời trước chưa hoàn thành để thế hệ sau tiếp bước. Chính vì thế mà đàn ông Cơ Ho luôn xem chiếc Xà gạc được trao truyền là vật quý báu, biểu hiện lòng kiêu hãnh và bản lĩnh của mình.
Xà gạc còn được dùng như một đơn vị ước lượng chiều dài quãng đường. Xưa kia, khi đi rẫy hoặc săn bắt, phải băng qua những cánh rừng, họ thường vắt Xà gạc lên vai, đến khi mỏi họ lại chuyển sang vai bên kia. Mỗi lần chuyển xà gạt từ vai này sang vai kia, họ gọi là “một cây Xà gạc”, tương đương thời gian đi bộ khoảng từ 2 đến 3 giờ.