ÁO DÀI CỦA CỤ K’SEN
– Chất liệu: Vải.
– Màu sắc: Đen, vàng
– Kích thước: Dài 91cm, rộng 42cm.
Thông tin hiện vật
Áo dài của cụ K’Sen sử dụng trong phong trào Mộ Cộ chống Pháp. Năm 1937, phong trào Mộ Cộ bắt đầu hoạt động dưới hình thức thờ cúng thần linh. Mộ Cộ là người trực tiếp lãnh đạo, sử dụng nhà cúng Đạ Sa làm nơi hoạt động và quyên góp tiền xu mua sắm vũ khí chống Pháp. Mỗi khi đến nhà cúng Đạ Sa, người trong tổ chức của phong trào đều mặc áo dài, mang kiếm, dao găm. Trong thời gian này, cụ K’Sen mặc áo dài này để hoạt động.
Đến cuối năm 1938, trong khi những người thuộc phong trào Mộ Cộ đang tổ chức cầu thần linh, bàn phương hướng hoạt động tại nhà cúng Đạ Sa thì bị thực dân Pháp phát hiện và vây bắt. Địch bắt những người đang ở tại nhà cúng Đạ Sa, trong đó có cả Mộ Cộ. Riêng cụ K’Sen cùng một người nữa tên là K’Bới (sau này chết vì bệnh nặng) chạy thoát ra rừng. Chiếc áo cụ K’Sen mặc bị vướng vào cây, đứt mất 2 hột nút áo. Lúc đó, cụ còn mang theo một cây kiếm, một dao găm và 5 đồng xu Đông Dương (đồng tiền hợp pháp thông dụng trong thời gian đó). Cụ mang toàn bộ hiện vậy nói trên về nhà cất giấu. Một tuần sau, cụ K’Sen bị giặc Pháp bắt tại cầu Đại Ninh, huyện Di Linh. Cụ K’Sen bị kết án 8 năm tù và đày đi nhà tù Lao Bảo.