BÀN IN CHỮ QUAY TAY
– Chất liệu: Đồ mộc (Gỗ).
– Kích thước: Dài 34cm, ngang 26cm, dày 3,8cm.
– Màu sắc: Đen.
– Địa điểm và thời gian sưu tầm: 49 Trương Công Định, Đà Lạt, ngày 9/9/1975.
Thông tin hiện vật
Bàn in chữ quay tay do bác Trương Ngọc Châu tự làm và giao cho cô Mỹ Dung phụ trách và sử dụng. Tháng 7/1969, cơ sở bị lộ, bàn in được cất giấu tại nhà bác Trương Ngọc Châu.
Bác Trương Ngọc Châu tham gia cách mạng từ năm 1936 tại Phú Khánh, lúc đó bác 16 tuổi. Cũng trong năm 1936, phong trào đấu tranh bị đàn áp, bác đã về Quy Nhơn làm thợ may để tránh sự theo dõi của địch.Sau đó, bác Châu đã di chuyển vào Nha Trang, Phan Thiết, đến năm 1940, bác vào trú tại chợ Bến Thành – Sài Gòn. Trong giai đoạn này, hoạt động chủ yếu của bác là chống sưu thuế của địch.
Năm 1942, bác Trương Ngọc Châu lên Đà Lạt, ở tại nhà số 2, đường Duy Tân và lập gia đình. Tháng 2/1947, bác Châu cùng với vợ, là bác Nguyễn Thị Hường, chuyển sang ở số 07, đường Duy Tân (nay là đường 3 tháng 2). Từ năm 1948, bắt được liên lạc với anh Dung (phụ trách ở Sở sữa Thủ Đức) và làm công tác dân binh vận.
Năm 1951, bác được kết nạp vào Đảng với sự giới thiệu của đồng chí Mai Xuân Ngọc và đồng chí Lâm Viên. Năm 1955, bác Châu bị địch bắt trong phong trào đấu tranh bảo vệ hòa bình, thực hiện Hiệp định Giơnevơ. Năm 1957, bác ra tù và về ở tại số nhà 49, đường Minh Mạng (nay là đường Trương Công Định), sống bằng nghề may. Sau đó, bác liên lạc được với các đồng chí để tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1967, Chi bộ An Hòa được thành lập, trong đó có bác Châu, để lãnh đạo phong trào học sinh, sinh viên và những người yêu nước ở Đà Lạt. Đến tháng 9/1969, bác Châu bị lộ và bị địch bắt đi tù cho đến ngày Đà Lạt được giải phóng.