DI ẢNH ĐẶNG THỊ NGỌC TUYỀN
– Chất liệu: Giấy.
– Kích thước: 9cm x 12cm.
Thông tin hiện vật
Đặng Thị Ngọc Tuyền, sinh năm 1947, tại tỉnh Thừa Thiên Huế trong một gia đình có truyền thống sùng bái Phật giáo. Cô là người tính nết hiền lành, thùy mỵ, sống hòa đồng với mọi người. Khi vào Đà Lạt, cô quy y tam bảo với Thượng tọa Minh Cảnh tại chùa Linh Quang (một ngôi chùa cổ kính tại Đà Lạt) và lấy pháp danh là Quảng Xuyên.
Trong giai đoạn này, cuộc vận động tranh thủ dân chủ và bảo tồn đạo pháp của Phật giáo ngày càng quyết liệt. Phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 là một phong trào dân sự có quy mô rộng lớn. Tuy mang màu sắc tôn giáo, nhưng thực ra đây là sự vùng lên của các tầng lớp nhân dân miền Nam nhằm xoá bỏ chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm. Sau khi bùng nổ tại Huế, phong trào đã nhanh chóng lan vào Sài Gòn và rộng ra khắp miền Nam. Chính quyền Ngô Đình Diệm đã dùng giải pháp vũ lực, đem binh sĩ tấn công, phong tỏa chùa chiền, bắt bớ các nhà sư, Phật tử và những người có liên quan đến phong trào đấu tranh của Phật giáo. Thượng tọa Thiện Minh, Chủ tọa lực lượng Phật tử Việt Nam bị mưu sát, chùa chiền bị bắn phá, tăng ni và đồng bào Phật tử bị bắt bớ, đánh đập. Viện Hóa đạo bị bao vây, trong đó có hàng ngàn tăng ni, Phật tử bị bệnh và đói khát. Ở Huế, ngày 21-6-1966, Thượng tọa Trí Quang – linh hồn của Phật giáo bị chính quyền bắt đưa vào Sài Gòn. Thượng tọa đã tuyệt thực để phản đối Tổng thống Hoa Kỳ Johnson hậu thuẫn cho chính quyền Sài Gòn gây bao thảm cảnh tại Việt Nam.
Trước tình cảnh đau thương đó, vào 4 giờ sáng ngày 23-6-1966, tại chùa Linh Sơn (Đà Lạt), Đặng Thị Ngọc Tuyền đã tự thiêu để phản đối tổng thống Mỹ Johnson và chính quyền Sài Gòn, phản đối chiến tranh, cầu nguyện cho dân tộc và đạo pháp sớm thoát khỏi họa diệt vong.