ĐÔI VỚ CHỐNG VẮT (CỦA ĐỒNG CHÍ BA LÊ)

– Chất liệu: Vải Nilon.
– Kích thước: Dài 51cm.
– Màu sắc: Màu xanh lá cây đậm.
– Địa điểm và thời gian sưu tầm: Thành Hội Phụ nữ Đà Lạt, ngày 27/4/1976.

Thông tin hiện vật

Đôi vớ này do đồng chí Ba Lê cắt may từ một mảnh vải nilon rách, vào năm 1968, tại chiến khu gần Quảng Hiệp (còn gọi là đồi Dốc Quế).
Đồng chí Ba Lê (tức Nguyễn Thị Lê), sinh năm 1925 tại Tịnh Giang, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Đồng chí tham gia cách mạng từ năm 1947, làm nhiệm vụ liên lạc trên tuyến đường hoạt động chính Đà Lạt – Cầu Đất và ở trong đội ám sát của ta. Năm 1950, đồng chí Ba Lê bị lộ và bị địch bắt, giam giữ 1 năm tại Đà Lạt. Cuối năm 1951, được thả ra, đồng chí Ba Lê đã thoát ly vào chiến khu 32 (CK32) của Tuyên Đức Đà Lạt, sau đó xuống chiến khu Lê Hồng Phong ở Bình Thuận. Năm 1957, đồng chí Ba Lê trở lại Đà Lạt. Đến năm 1961, đồng chí Ba Lê gặp đồng chí Tôn Thất Trai (tự Dũng) liên hệ và móc nối cùng hoạt động.
Ngày 08/3/1963, đồng chí Ba Lê được đồng chí Chính và đồng chí Cả giới thiệu vào Đảng lần thứ hai. Đến ngày 8/3/1964, đồng chí Ba Lê được công nhận là đảng viên chính thức. Ngày kết nạp có sự tham dự của đồng chí Huỳnh Minh Nhựt. Tháng 7/1966, đồng chí Ba Lê bị địch bắt lần thứ hai vì địch biết đồng chí trực tiếp lãnh đạo phong trào phụ nữ đấu tranh tại chợ Đà Lạt.
Đến cuối năm 1967, đồng chí Ba Lê được thả và thoát ly ra căn cứ theo sự chỉ đạo của đồng chí Tư Ngọc và đồng chí Huỳnh Minh Nhựt, để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công Mậu Thân năm 1968. Đến năm 1970, đồng chí Ba Lê làm Bí thư chi bộ của cơ sở, trực tiếp lãnh đạo nhóm đặc công 7 người. Trong thời gian công tác ở căn cứ, tại Bồng Lai và đi lại trong Đà Lạt, đồng chí đã sử dụng đôi vớ này vào ban đêm ở dưới hầm bí mật để đọc tài liệu bằng đèn bấm thụt. Đôi vớ vừa chống rét vừa chống vắt.