BÀN DẬP HOA VĂN

– Chất liệu: Đá.
– Kích thước: Dài 17.5cm, dày 3.5cm.
– Kỹ thuật chế tác: Ghè đẽo, mài.
– Niên đại: Cách ngày nay khoảng 3.000 – 2.700 năm.
– Địa điểm và thời gian sưu tầm: huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Nội dung hiện vật

Bàn dập hoa văn là một công cụ đá thời tiền sử, được người dân phát hiện trong quá trình canh tác nương rẫy tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Sau đó, hiện vật được Bảo tàng Lâm Đồng sưu tầm, lưu giữ cho đến ngày nay.
Hiện vật được chế tác bằng loại đá sa thạch, màu xám xanh, bề mặt phủ lớp patin mỏng màu xám do thời gian. Công cụ có hình trụ, dài; một đầu có tiết diện gần vuông (là phần tạo hoa văn), đầu còn lại tròn (là chuôi hay tay cầm). Phần tạo hoa văn gồm 4 mặt tương đối phẳng, được khắc các dạng hoa văn là các đường kẻ song song, cắt nhau tạo thành các hình caro, hình thoi không đều nhau.
Đây là công cụ tạo hoa văn trên đồ gốm của người tiền sử. Trong quá trình chế tác đồ gốm, sau khi hoàn thành việc tạo dáng sản phẩm, người thợ làm gốm sẽ dùng công cụ này đập nhẹ lên bề mặt sản phẩm, các đường hoa văn trên công cụ sẽ in vào bề mặt gốm.
Huyện Đơn Dương nằm ở phía đông bắc cao nguyên Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, có độ cao trên 1.000m, giáp ranh với các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Địa hình huyện chia làm 3 dạng chính: địa hình núi cao, địa hình đồi thoải lượn sóng, địa hình thung lũng, sông, suối, rất phù hợp cho cuộc sống của người xưa. Nơi đây là một trong những địa điểm phát hiện nhiều dấu vết cư trú và sinh sống của con người cách đây hàng ngàn năm. Xuyên suốt quá trình phát triển, các cư dân xưa đã để lại nhiều di vật minh chứng cho các giai đoạn phát triển khác nhau của con người nơi đây.

Danh mục: ,