BÀN MÀI

– Chất liệu: Đá.

– Kích thước: Dài 7,9cm, rộng 3,6cm, dày 4,2cm.

– Kỹ thuật chế tác: Ghè, đẽo.

– Niên đại: Cách ngày nay khoảng từ  3.000 – 4.000 năm.

– Địa điểm và thời gian sưu tầm: Xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng; năm 2006.

Thông tin hiện vật

Mảnh bàn mài được phát hiện tại di chỉ khảo cổ Gia Lâm (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng), trải dài trên khu vực gồm 5 địa điểm đã được phát hiện tại các thôn 1, thôn 2, thôn 3, thôn 4 và thôn Gan Thi. Các điểm di chỉ này nằm trên lưu vực một con suối với nhiều nguồn đá nguyên liệu (loại đá opal).

Di chỉ Gia Lâm được khai quật năm 2006 thu được nhiều kết quả quan trọng. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện các lớp địa tầng văn hóa cùng hàng ngàn mảnh tước, phác vật, mảnh vỡ, đá nguyên liệu… trong các hộ khai quật. Từ những phát hiện quan trọng đó, các nhà khoa học cho rằng, đây là một loại hình di chỉ cư trú kết hợp với “công xưởng” chế tác công cụ lao động thời tiền sử. Tính chất “công xưởng” của di chỉ này cho thấy, đây là nơi tu chỉnh, mài phác vật để hoàn thiện sản phẩm. Các nhà khoa học xác định di chỉ xếp vào giai đoạn hậu kỳ đá mới, cách ngày nay khoảng 3.000 – 4.000 năm.

Mảnh bàn bài là mảnh vỡ của một bàn mài phẳng, làm từ đá Grès, có dạng gần hình hộp chữ nhật, bên ngoài phủ một lớp patine vàng xám.Bàn mài có hai mặt nhẵn bóng và hơi lõm vào thân (do quá trình sử dụng), một bên mặt tương đối bằng phẳng và một phần lõm nhẹ vào thân; mặt cắt ngang có hình lục giác.

Bàn mài được sử dụng để mài nhẵn, tinh chỉnh và hoàn thiện công cụ lao động (đồ đá) trong quá trình chế tác của con người thời hậu kỳ đá mới.

Danh mục: ,