BÀN XOA GỐM
– Chất liệu: Gốm thô.
– Kích thước: Cao 5,8cm, đường kính 4,5cm.
– Kỹ thuật chế tác: Nặn.
– Niên đại: Cách ngày nay khoảng 2.500 năm.
– Địa điểm và thời gian sưu tầm: Xã Phù Mỹ, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng; năm 1998.
Thông tin hiện vật
Bàn xoa gốm được phát hiện tại di chỉ khảo cổ Phù Mỹ, xã Phù Mỹ (nay là địa bàn thị trấn Đồng Nai, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng), trong đợt khai quật năm 2006. Khu vực phát hiện di chỉ khảo cổ là một vùng đất bằng phẳng nằm ngay tả ngạn sông Đồng Nai.
Qua ba lần khai quật với quy mô khác nhau (1998 – 2006), di chỉ khảo cổ Phù Mỹ đã thu được hàng trăm hiện vật các loại (gồm các chất liệu chính là gốm, đá và kim loại), xuất lộ các lớp địa tầng văn hóa khá rõ nét (một dạng di chỉ rất hiếm ở Lâm Đồng). Các nhà khoa học thống nhất cho rằng, đây là một di chỉ cư trú thuần nhất của người xưa, được hình thành trong quá trình sinh sống lâu dài của các cư dân cổ thời kỳ kim khí. Di chỉ Phù Mỹ có nhiều nét tương đồng với nền văn hóa Đồng Nai nổi tiếng, phân bố cách đó không xa. Niên đại di tích được xác định vào khoảng 2.700 – 2.300 năm cách ngày nay.
Bàn xoa gốm chế tác bằng chất liệu đất sét đã được lọc kỹ. Xương gốm khá mịn, màu hồng nhạt, tay cầm hình trụ hơi thon ở giữa tạo núm cầm ở đầu. Mặt xoa hình tròn cong lồi, cũng có tiêu bản mặt để trơn láng. Trên đầu có một lỗ nhỏ rộng khoảng 0,5 cm xuyên dọc chính giữa tay cầm đến tâm mặt xoa.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, công cụ này được sử dụng để “xoa” làm nhẵn láng bề mặt đồ gốm, mặt cong lồi và lỗ xuyên tâm làm giảm ma sát của mặt tiếp xúc, bề mặt cong của bàn xoa sẽgiúp động tác nhẹ nhàng và nhanh hơn.
Bàn xoa gốm là công cụ phục vụ đời sống lao động sản xuất của người xưa, thuộc thời kỳ kim khí, có niên đại cách ngày nay khoảng 2.500 năm.