BÌNH KENDY
– Chất liệu: Bán sứ.
– Kích thước: Đường kính miệng 1,3cm; đường kính đáy 8cm; cao 12cm.
– Kỹ thuật chế tác:Dùng bàn xoay.
– Niên đại: Thế kỷ XIII.
– Địa điểm và thời gian sưu tầm: Xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng; năm 1983.
Thông tin hiện vật
Bình Kendy được phát hiện tại di chỉ mộ táng Đại Làng,trong đợt khai quật năm 1983. Di chỉ này nằm trong một thung lũng bằng phẳng tại khu vực giáp ranh giữa xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm) và phường Lộc Tiến (thành phố Bảo Lộc) của tỉnh Lâm Đồng. Khu vực này được người dân phát hiện năm 1980 trong quá trình canh tác nương rẫy, đến năm 1983, di chỉ đã chính thức được tiến hành khai quật. Đây là một quần thể mộ táng của các cư dân bản địa Lâm Đồng được hình thành trong quá trình sinh sống lâu đời. Với tục “chia của cho người chết” các cư dân cổ nơi đây đã để lại cho hậu thế rất nhiều hiện vật có giá trị chứa đựng những quan niệm về triết lý nhân sinh của tộc người.
Chiếc bình Kendy này có nguồn gốc từ miền Trung Việt Nam, thuộc dòng gốm Gò Sành (Bình Định). Gò Sành là tên gọi của một địa danh thuộc thị xã An Nhơn (Bình Định), nơi phát hiện nhiều lò gốm cổ được cho là của người Chămpa. Đây cũng là trung tâm sản xuất đồ gia dụng và vật liệu kiến trúc bằng gốm khoảng từ thế kỷ XIV-XVI. Khu vục này nằm cạnh con đường huyết mạch nối liền Quy Nhơn với Tây Nguyên nên rất thuận lợi cho việc giao thương với các vùng lân cận. Tuy có sự giao thoa, pha trộn với những dòng gốm khác, nhưng gốm Gò Sành vẫn giữ được những nét đặc trưng, như cốt gốm tương đối xốp và nhẹ; độ nung không cao; màu men chủ đạo là vàng hoặc nâu nhạt; hoa văn trang trí đơn giản, chủ yếu thể hiện theo kỹ thuật vẽ ám họa… Dòng gốm này được phát hiện tại Tây Nguyên với loại hình chủ yếu là các đồ gia dụng như tô, bát, đĩa, âu, chóe, lọ…
Bình Kendy có cổ cao hình con tiện, gồm hai phần: phần trên hình bánh xe, phần dưới cổ thắt.Thân ấm hình khối cầu tròn dẹt, vai trang trí gờ nổi. Vòi ấm lớn, hình chóp nón, đáy bằng; bề mặt ấm phủ men màu nâu nhạt, không đều.