CHÀY NGHIỀN

– Chất liệu: Đá sa thạch mịn.
– Kích thước: Dài 36,5cm, rộng 18cm, cao 12cm.
– Kỹ thuật chế tác: Đục, mài.
– Niên đại: Khoảng thế kỷ VIII – X.
– Địa điểm và thời gian sưu tầm: Xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng; năm 2001.

Thông tin hiện vật

Chày nghiền bằng đá được phát hiện tại xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên, thuộc quần thể di tích Quốc gia đặc biệt Cát Tiên (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng), vào năm 2001. Di tích quốc gia đặc biệt Cát Tiên được phát hiện vào thập niên 80 của thế kỷ XX. Các điểm di tích được phân bố trên diện tích hàng chục hecta, phần lớn các là các phế tích, nằm ở khu vực tả ngạn sông Đồng Nai, nơi giáp ranh giữa 3 tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước. Trải qua trên 30 năm nghiên cứu, với 9 lần khai quật chính thức và nhiều cuộc điều tra, thám sát, các nhà khoa học đã làm xuất lộ hàng chục phế tích, kiến trúc tôn giáo đền tháp và mộ tháp, thu về hàng ngàn hiện vật có giá trị lịch sử – văn hóa. Với quy mô đồ sộ như vậy, di tích Cát Tiên đã khẳng định được vai trò vô cùng quan trọng của một thánh địa chịu ảnh hưởng sâu sắc của Ấn Độ giáo.

Chày nghiền (cùng với bàn nghiền) là một dạng công cụ làm nát các loại hạt dùng trong đời sống của người xưa. Chày nghiền được chế tác bằng đá sa thạch mịn, có hình trụ tròn, bề mặt nhẵn bóng, tiết diện ngang hình tròn; phần giữa hơi bóp nhẹ, hai đầu phình hơn, có dấu hiệu bị mòn do quá trình sử dụng.

Khi sử dụng, các loại hạt sẽ được đặt lên bề mặt bàn nghiền và người ta dùng chày nghiền lăn qua lại. Dưới tác động từ lực ép giữa chày và bàn nghiền, các loại hạt sẽ bị nghiền nát theo nhu cầu sử dụng.

Danh mục: ,