CHÓE KHƠ ME

– Chất liệu: Gốm tráng men.
– Kích thước: Đường kính miệng 15,8cm; đường kínhđáy: 27,7cm; cao 60cm.
– Kỹ thuật chế tác: Dùng dải cuộn, dán tai.
– Niên đại: Thế kỷ XII – XIII.
– Địa điểm và thời gian sưu tầm: Xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng; năm 1983.

Thông tin hiện vật

Chóe được phát hiện tại di chỉ mộ táng Đại Làng trong đợt khai quật năm 1983. Di chỉ này nằm trong một thung lũng bằng phẳng tại khu vực giáp ranh giữa xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm) và phường Lộc Tiến (thành phố Bảo Lộc) của tỉnh Lâm Đồng. Khu vực này được người dân phát hiện năm 1980 trong quá trình canh tác nương rẫy, đến năm 1983, di chỉ đã chính thức được tiến hành khai quật. Đây là một quần thể mộ táng của các cư dân bản địa Lâm Đồng được hình thành trong quá trình sinh sống lâu đời. Với tục “chia của cho người chết” các cư dân cổ nơi đây đã để lại cho hậu thế rất nhiều hiện vật có giá trị chứa đựng những quan niệm về triết lý nhân sinh của tộc người.

Chóe này thuộc dòng gốm Khmer, nhập vào khu vực Tây Nguyên của Việt Namqua quá trình giao thương. Vương quốc Khmer tồn tại trong khoảng thế kỷ IX – XIV. Thời kỳ này, nghề gốm phát triển khá mạnh và hình thành các trung tâm gốm, như Phnom Kulen, Buriam (vùng giáp ranh giữa Thái Lan và Camphuchia ngày nay). Gốm Khmer ít được xuất khẩu ra ngoài lãnh thổ, nên số lượng tìm thấy ở các nước không nhiều. Dòng gốm này thường có xương gốm rất dày, chắc chắn; màu men chủ đạo là nâu đen, kiểu men chảy; trang chí hoa văn khắc vạch đơn giản. Loại hình chủ yếu là các loại đồ đựng có kích thước lớn như chóe, bình… Tại Lâm Đồng, gốm Khmer được phát hiện không nhiều, các hiện vật thường bị vỡ, chỉ có một số ít tiêu bản còn nguyên vẹn. Hiện nay, dòng gốm này thỉnh thoảng vẫn còn phát hiện trong đời sống đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và được coi là đồ vật quý.

Chóe có miệng vê hình con tiện; cổ thấp vai hơi ngang, thành cong dần về đáy. Trên vai dán 4 tai nhỏ đối xứng; đáy bằng. Bề mặt phủ men màu xám đen; men có hiện tượng men chảy, không phủ hết đáy.Trên vai và thân, giữa các đường chỉ song song là hai dải hoa văn khắc vạch sâu vào xương gốm theo hướng nghiêng đều nhau, tạo hình cánh hoa cách điệu.

Categories: ,