ĐÀN ĐÁ B’LAO
– Chất liệu: Đá.
– Kỹ thuật chế tác: Ghè, đẽo, mài.
– Niên đại: Cách ngày nay khoảng trên 2.500 năm.
– Địa điểm và thời gian sưu tầm: Xã Bù Đơ, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng; năm 1979.
Thông tin hiện vật
Đàn đá là một trong những nhạc cụ cổ xưa nhất của loài người. Ở Việt Nam, đàn đá được phát hiện nhiều ở vùng Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên. Tại Lâm Đồng, đã phát hiện và lưu giữ nhiều sưu tập đàn đá nổi tiếngvới số lượng lên tới hàng trăm thanh, nhưĐàn đá B’Lao, Đinh Lạc, B’Nơm, Hòa Nam, Liên Đầm… Các thanh đàn đá được làm từ chất liệu đá sừng, bằng kỹ thuật ghè, đẽo độc đáo.
Đàn đá B’Lao là bộ đàn đá đầu tiên được phát hiện ở Lâm Đồng vào năm 1979, tại nhà ông K’Broih, xã Bù Đơ, huyện Bảo Lộc (nay là thành phố Bảo Lộc), tỉnh Lâm Đồng.Bộ đàn đá này trước đó có 6 thanh, tuy nhiên 3 thanh đã bị thất lạc trong một vụ hỏa hoạn; 3 thanh còn lại bị vỡ nhiều và hiện đã được phục chế lại theo hình dáng cũ.
Các thanh đàn đá được chế tác từ loại đá sừng, hình chữ nhật, dáng thô, hai đầu vát nhọn hình chữ V; bề mặt thanh đàn tương đối bằng phẳng, ít thấy dấu vết ghè tu chỉnh; hai đầu thanh đàn có vết mòn do quá trình sử dụng.Năm 1980, Bộ đàn đá B’Lao được công nhận là Đàn đá quốc gia và được lưu giữ tại Viện Âm nhạc Việt Nam.
Ba thanh đàn đá B’Lao đang trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng là hiện vật được phục chế theo theo tỷ lệ 1/1, bằng chất liệu thạch cao.