ĐÀN ĐÁ ĐINH LẠC
– Chất liệu: Đá.
– Kích thước và trọng lượng: Thanh dài nhất 110cm, nặng 13,5kg; thanh ngắn nhất 55cm, nặng 5kg.
– Kỹ thuật chế tác: Ghè, đẽo, mài.
– Niên đại: Cách ngày nay khoảng từ 2.500 – 3.000 năm.
– Địa điểm và thời gian sưu tầm: Xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng; năm 1997.
Thông tin hiện vật
Đàn đá là một trong những nhạc cụ cổ xưa nhất của loài người. Ở Việt Nam, đàn đá được phát hiện nhiều ở vùng Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên. Tại Lâm Đồng, đã phát hiện và lưu giữ nhiều sưu tập đàn đá nổi tiếngvới số lượng lên tới hàng trăm thanh, như Đàn đá B’Lao, Đinh Lạc, B’Nơm, Hòa Nam, Liên Đầm… Các thanh đàn đá được làm từ chất liệu đá sừng, bằng kỹ thuật ghè, đẽo độc đáo.
Sưu tập đàn đá Đinh Lạc do ông Nguyễn Đình Tiến ở xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng phát hiện khi phát rẫy trồng cà phê trên một ngọn đồi gần thị trấn Di linh, vào năm 1997. Theo mô tả của những người chứng kiến, 12 thanh đàn đá nằm ở độ sâu 0,6m dưới một ụ le (một loại cây có họ với lồ ô), xếp song song theo thứ tự từ lớn đến nhỏ, thanh này đè lên một phần thanh kia.
Bộ đàn đá Đinh Lạc gồm 12 thanh đá trong đó có 9 thanh còn nguyên vẹn, 3 thanh bị gãy. Các thanh đá này đều có dáng thon dài, mình dẹt, hai bên mép được ghè mỏng, hai đầu thanh đá nở, dày, hơi cong hình cung hoặc hình chữ V, phần giữa hơi thu lại.
Do quá trình phong hóa nên mặt ngoài các thanh đàn đá có màu xám tro hoặc xám vàng, bên trong có lõi màu xanh đen.
Các thanh đàn đá được chế tác từ loại đá sừng; độ cứng cao, thớ đá mịn.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, kỹ thuật chế tác các thanh đá đều trải qua các công đoạn: tạo dáng ban đầu, tạo dáng lần hai và gia công tu chỉnh bằng kỹ thuật mài.