ĐÀN ĐÁ SƠN ĐIỀN

– Chất liệu: Đá.

– Kỹ thuật chế tác: Ghè, đẽo, mài.

– Niên đại: Cách ngày nay khoảng từ 2500 – 3000 năm.

– Địa điểm và thời gian sưu tầm: Xã Sơn Điền, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng; năm 2003.

Thông tin hiện vật

Đàn đá là một trong những nhạc cụ cổ xưa nhất của loài người. Ở Việt Nam, đàn đá được phát hiện nhiều ở vùng Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên. Tại Lâm Đồng, đã phát hiện và lưu giữ nhiều sưu tập đàn đá nổi tiếngvới số lượng lên tới hàng trăm thanh, nhưĐàn đá B’Lao, Đinh Lạc, B’Nơm, Hòa Nam, Liên Đầm… Các thanh đàn đá được làm từ chất liệu đá sừng, bằng kỹ thuật ghè, đẽo độc đáo.

Sưu tập đàn đá B’Nơm (Sơn Điền)do gia đình ông K’Branh ngụ tại thôn B’Nơm, xã Sơn Điền, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng phát hiện trong quá trình canh tác vườn nhà, vào năm 2003. Bộ đàn đá gồm 19 thanhđược phát hiện trong lòng hốcách mặt đất khoảng 30cm, xếp khá cẩn thậntheo thứ tự dài trước ngắn sau. Bộ đàn đá được chế tác từ loại đá sừng có màu xanh đen, hạt mịn đến rất mịn, bên ngoài có lớp patine màu xám xanh (do thời gian). Dựa vào hính dáng các thanh đàn, có thể chia sưu tập nayg thành 2 nhóm:

– Nhóm 1 gồm  12 thanh(các thanh số 1,2,3,8,10,11,12,13,14,15,16,19), là những thanh đá có dạng hình chữ nhật, thắt eo tỷ lệ thuận với chiều dài của thanh đàn(thanh đàn càng dài thì độ thắt eo càng lớn). Kỹ thuật chế tác các thanh đàn này chủ yếu là ghè tách mảnh.Trên hai rìa của thanh đàn, đều có sử dụng kỹ thuật ghè tu chỉnh với những dấu ghè nhuyễn liên tiếp nhau, tạo thành hình răng cưa hoặc hình sin.

– Nhóm 2 gồm 7 thanh còn lại(gồm các thanh số 4,5,6,7,9,17,18), các thanh đàn này không thắt eo ở giữa, độ dày của các thanh đá nhóm 2 mỏng hơn nhóm 1. Các thanh đàn này được chế tác bằng kỹ thuật ghè tách mảnh trên diện rộng, dát khá mỏng ở mặt trên và mặt dưới.

Hiện nay, Bảo tàng Lâm Đồng trưng bày 15 thanh tiêu biểu, 4 thanh còn lại (các thanh số 7,8,18,19)đang được bảo quản tại kho hiện vật.

Danh mục: ,