ĐĨA
– Chất liệu: Sứ.
– Kích thước: Đường kính miệng 14,8cm, đường kínhđáy 5,5cm, cao3,1cm.
– Kỹ thuật chế tác: Dùng bàn xoay, con kê 4 chấu.
– Niên đại: Thế kỷ XIV.
– Địa điểm và thời gian sưu tầm: Xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng; năm 1983.
Thông tin hiện vật
Đĩa này được phát hiện tại di chỉ mộ táng Đại Làng trong đợt khai quật năm 1983. Di chỉ này nằm trong một thung lũng bằng phẳng tại khu vực giáp ranh giữa xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm) và phường Lộc Tiến (thành phố Bảo Lộc) của tỉnh Lâm Đồng. Khu vực này được người dân phát hiện năm 1980 trong quá trình canh tác nương rẫy, đến năm 1983, di chỉ đã chính thức được tiến hành khai quật.Đây là một quần thể mộ táng của các cư dân bản địa Lâm Đồng được hình thành trong quá trình sinh sống lâu đời. Với tục “chia của cho người chết” các cư dân cổ nơi đây đã để lại cho hậu thế rất nhiều hiện vật có giá trị chứa đựng những quan niệm về triết lý nhân sinh của tộc người.
Đĩa có xuất sứ từ miền Bắc Việt Nam, nơi đây vốn có kỹ thuật làm gốm rất phát triển,đa dạng về loại hình và chất liệu. Gốm sứ Việt Nam ở mỗi thời kỳ đều có sự khác biệt rất rõ nét, tiêu biểu là các loại hình gốm sứ “hoa nâu”, “hoa lam” và “men ngọc”. Các vùng gốm sứ nổi tiếng như Thăng Long, Chu Đậu, Bát Tràng, Phủ Lỗ…, đã cung cấp nguồn hàng hóa dồi dào, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Nhiều sản phẩm gốm sứ đã xuất sangchâu Âu và được đánh giá rất cao.Tại Lâm Đồng, gốm sứ Việt Nam phát hiện trong các di chỉ mộ táng chiếm số lượng không nhiều so với các dòng khác; loại hình chủ yếu là tô, bát chân cao và bình đựng, niên đại khoảng thế kỷ XIII – XVI. Tuy chưa có công trình nghiên cứu về sự có mặt của gốm sứ miền Bắc Việt Nam vào Tây Nguyên, song hầu hết các ý kiến đều cho rằng, chúng được vận chuyển vào miền trong trên cả hai tuyến đường bộ và đường biển, thông qua các thương cảng ở miền Trung.
Đĩa có miệng bẻ loe, không vành miệng; mép miệng chia thành những cung tròn như những cánh hoa cách điệu; thành đĩa thấp, cong thu dần về đáy. Toàn thân phủ men màu vàng xám (thuộc hệ thống men lục), men phủ không đều, lòng đế không tráng men. Thành đĩa trang trí các đường khắc chìm mềm mại theo hình cánh hoa cách điệu. Trong lòng đĩa còn in rõ 4 dấu con kê.Đây là loại đĩa sâu lòng, mang phong cáchrất đặc trưng của dòng gốm thời Trần ở Việt Nam.