GẠCH (GẠCH TRANG TRÍ)
– Chất liệu: Đất nung.
– Kích thước: Dài 29.5cm; rộng 13.8cm, dày 12.3cm.
– Kỹ thuật chế tác: Nung, chạm khắc.
– Niên đại: Thế kỷ VIII – IX.
– Địa điểm và thời gian sưu tầm: Xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, năm 2002.
Nội dung hiện vật
Viên gạch trang trí là loại gạch kiến trúc, được phát hiện năm 2002 tại tháp 2D, thuộc quần thể di tích khảo cổ Cát Tiên, xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Đây là một kiến trúc “nhà dài”, được cho là nhà chờ hành lễ của các tín đồ Ấn Độ giáo.
Gạch có hình chữ nhật, mặt cắt hình bán nguyệt (một mặt cong lồi) thuôn đều ra hai mép; hai đầu cân đối, được mài nhẵn. Đây là một phần trong một kết cấu kiến trúc mang tính chất trang trí của tháp 2D.
Di tích Khảo cổ Cát Tiên được phát hiện vào thập niên 80 của thế kỷ XX, là một quần thể kiến trúc tôn giáo, nằm trên địa bàn huyện Cát Tiên. Các điểm di tích được phân bố trên diện tích hàng chục hecta, phần lớn các phế tích nằm ở khu vực tả ngạn sông Đồng Nai, nơi giáp ranh giữa 3 tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước.
Trải qua gần 30 năm nghiên cứu, với 9 lần khai quật chính thức và nhiều cuộc điều tra, thám sát, các nhà khoa học đã làm xuất lộ hàng chục phế tích, kiến trúc tôn giáo như đền tháp, mộ tháp và các công trình phụ cận. Các nhà khoa học thống nhất cho rằng đây là khu “thánh địa” chịu ảnh hưởng sâu sắc của Bà-la-môn giáo.
Quá trình nghiên cứu, khai quật đã thu về hàng ngàn hiện vật có giá trị lịch sử – văn hóa, trong đó có trên 1.300 hiện vật tiêu biểu đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng và Nhà trưng bày Di tích Khảo cổ Cát Tiên.