GẠCH TRANG TRÍ
– Chất liệu: Gạch nung.
– Kích thước: Dài 14cm, rộng 13,7cm, dày 2,5cm.
– Địa điểm và thời gian sưu tầm: Xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng; năm 2001.
Thông tin hiện vật
Gạch trang trí được phát hiện tại gò 2C thuộc quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Cát Tiên, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Di tích được phát hiện vào thập niên 80 của thế kỷ XX là một quần thể kiến trúc tôn giáo lớn, nằm trên địa bàn huyện Cát Tiên tỉnh Lâm Đồng. Các điểm di tích được phân bố trên diện tích hàng chục hecta, phần lớn các là các phế tích, nằm ở khu vực tả ngạn sông Đồng Nai, nơi giáp ranh giữa 3 tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước.
Cụm kiến trúc số 2 (Gò 2 gồm: Gò 2A, 2B, 2C và gò 2D), nằm cách Gò 1 khoảng 150m về hướng Tây Nam, cụm kiến trúc đã bị phá hủy, gạch đổ tạo thành gò cao khoảng 2m. Từ dấu tích cho thấy khu vực này gồm bốn kiến trúc được xây dựng liên hoàn, rộng khoảng 2.000m2, xung quanh có tường bao.
Kiến trúc 2D có bình đồ hình chữ nhật, kích thước 17,08m x 6,88m, được xây trong hai giai đoạn: Tháp chính ban đầu có kích thước 11,4m x 6,88m, độ dày tường từ 2,0 – 2,2m, bên trong kiến trúc có kích thước 7,6m x 2m, bề mặt có nhiều gạch vỡ, phía dưới là sàn gạch tương đối phẳng. Khai quật ở độ sâu 1,4m, phát hiện một mộ chum. Giai đoạn 2, xây thêm kết cấu phía Đông, có kích thước 5,68m x 6,88m.
Gạch trang trí trong kết cấu đền tháp được phát hiện tại gò 2C, vào năm 2001. Viên gạch có hình chữ nhật, bề mặt trang trí gồm 3 dải hoa văn là những chỏm hình cầu nối tiếp nhau theo chiều ngang, các dải này uốn cong dần. Đây là một phần của dải hoa văn trang trí đền tháp bị tách rời nhau khi tháp sụp đổ.