KHUYÊN TAI
– Chất liệu: Vàng.
– Kích thước: Dài 3.3cm, rộng 2.2cm, cao 1.1cm.
– Kỹ thuật chế tác: Gò, đúc.
– Niên đại: Thế kỷ XI.
– Địa điểm và thời gian sưu tầm: Xã Pró, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, năm 1998.
Nội dung hiện vật
Khuyên tai được phát hiện năm 1998 tại di tích khảo cổ Pró 1, thuộc địa bàn xã Pró, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Khu di chỉ gồm hai địa điểm (gồm Pró 1 và Pró 2) nằm khá gần nhau, một điểm nằm trên gò đất thấp, điểm còn lại nằm giữa cánh đồng hoa màu của người dân.
Khuyên tai nằm trong lớp tường gạch của phế tích kiến trúc, chế tác bằng vàng, hình thoi với 8 cánh hoa nổi khối, hai cánh hoa lớn có lỗ nhỏ (có thể trước đây đặt đá quý?), rỗng ở giữa, bên trong đặt một viên đá hình cầu, màu xanh lục.
Hiện vật này có thể là vật thiêng được các tín đồ thờ cúng trong đền tháp, phục vụ các nghi thức tôn giáo của cư dân xưa tại di tích Pró.
Di tích khảo cổ Pró được khai quật năm 1998, thu nhận nhiều kết quả quan trọng, bao gồm các phế tích kiến trúc và hiện vật. Các nhà nghiên cứu cho rằng, đây là loại hình kiến trúc tôn giáo, mang nhiều dấu ấn văn hóa Chămpa (của cư dân theo đạo Bà-la-môn), một loại hình kiến trúc phổ biến ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận giáp ranh với huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.