LAO

– Chất liệu: Sắt.
– Kích thước: Dài 172cm;rộng 3cm;đường kính 1,5cm.
– Kỹ thuật chế tác: Rèn.
– Niên đại: Thế kỷ XVI – XVII.
– Địa điểm và thời gian sưu tầm: Xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng; năm 1983.

Thông tin hiện vật

Lao được phát hiện tại di chỉ mộ táng Đại Làng, năm 1983.Di chỉ này nằm trong một thung lũng bằng phẳng tại khu vực giáp ranh giữa xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm) và phường Lộc Tiến (thành phố Bảo Lộc) của tỉnh Lâm Đồng. Khu vực này được người dân phát hiện năm 1980 trong quá trình canh tác nương rẫy, đến năm 1983, di chỉ đã chính thức được tiến hành khai quật. Đây là một quần thể mộ táng của các cư dân bản địa Lâm Đồng được hình thành trong quá trình sinh sống lâu đời. Với tục “chia của cho người chết” các cư dân cổ nơi đây đã để lại cho hậu thế rất nhiều hiện vật có giá trị chứa đựng những quan niệm về triết lý nhân sinh của tộc người. Quá trình khai quật, các nhà khoa học đã làm xuất lộ hàng ngàn hiện vật với nhiều loại hình, chất liệu và kiểu dáng khác nhau.

Lao được rèn bằng sắt, gồm  phần lưỡi lao và cán lao. Lưỡi lao có sống nổi ở giữa, mỏng dần về hai bên mép, mũi nhọn, đốc ngắn, có gờ để tra cán. Cán lao có đầu loe, thân thuôn nhọn về phía đuôi.

Lao được người dân tộc bản địa ở Lâm Đồng thời xưa dùng để thực hiện một số nghi thức, nghi lễ, bảo vệ buôn làng và săn bắt thú rừng.Lao được chôn theo người chết, theo phong tục của người Tây Nguyên xưa, Các nhà nghiên cứu cho rằng, lao được phát hiện trong nhóm mộ của đàn ông là những người giàu, có địa vị trong buôn làng.

Categories: ,