LINGA – YONI GÒ 5
– Chất liệu: Đá cuội.
– Kích thước: Đường kính ngoài 14,6cm, đường kính trong 4,1cm, dày 4,8cm.
– Kỹ thuật chế tác: Mài, đục.
– Niên đại: Khoảng thế kỷ VII – IX.
– Địa điểm và thời gian sưu tầm: Xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng; năm 2011.
Thông tin hiện vật
Bộ Linga – Yoni này được phát hiện tại tại Gò số 5, thuộc quần thể Di tích quốc gia đặc biệt khảo cổ Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Di tích được phát hiện vào thập niên 80 của thế kỷ XX, là một quần thể kiến trúc tôn giáo lớn, nằm trên địa bàn huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Các điểm di tích được phân bố trên diện tích hàng chục hecta, phần lớn các phế tích nằm ở khu vực tả ngạn sông Đồng Nai, nơi giáp ranh giữa 3 tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước. Trải qua trên 30 năm nghiên cứu, với 9 lần khai quật chính thức và nhiều cuộc điều tra, thám sát, các nhà khoa học đã làm xuất lộ hàng chục phế tích, kiến trúc tôn giáo đền tháp và mộ tháp, thu về hàng ngàn hiện vật có giá trị lịch sử – văn hóa. Với quy mô đồ sộ như vậy, di tích Cát Tiên đã khẳng định được vai trò vô cùng quan trọng của một thánh địa chịu ảnh hưởng sâu sắc của Ấn Độ giáo.
Bộ Linga – Yoni được làm từ đá cuội. Linga là một hòn đá cuội tròn, bề ngoài nhẵn, màu nâu xám. Yoni là một hòn cuội tròn dẹp, ở giữa đục lỗ tròn ỏ hai mặt tạo đường thắt ở giữa, hai mặt vừa kích cỡ khi đặt Linga vào. Bề mặt Yoni bị mòn nhiều, một góc bị mẻ một phầnnhỏ. Đây là bộ Linga – Yoni khá đặc biệt, khi người xưa tận dụng từ đá cuội để làm vật thờ tín ngưỡng Bà-la-môn giáo.
Linga là biểu tượng thiêng liêng, được thờ cúng tôn kính trong các đền thờ của Ấn Độ giáo, biểu trưng cho quyền lực tối thượng và mang tính dương. Linga kết hợp với Yoni (mang tính âm) được coi là biểu tượng của sự sáng tạo, sinh sôi nảy nở.
Các cư dân chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo đều tôn thờ Linga, Yoni và các vị thần khác, trong đó Linga luôn là trung tâm, thể hiện tín ngưỡng phồn thực, cầu mong mùa màng sinh sôi, vạn vật phát triền.