LƯỠI XÀ GẠC NGHI LỄ

– Chất liệu: Sắt.
– Kích thước: Dài 30cm, rộng 7cm.
– Kỹ thuật chế tác: Rèn.
– Niên đại: Thế kỷ XVI – XVII.
– Địa điểm và thời gian sưu tầm: Xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng; năm 1995.

Thông tin hiện vật

Lưỡi xà gạc được phát hiện tại di chỉ mộ táng Đạ Đờn, năm 1995.Di chỉ mộ táng Đạ Đờn thuộc địa phận thôn 5, xã Đạ Đờn (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng), được phát hiện năm 1995 sau khi một phần của di chỉ bị đào phá nghiêm trọng. Di chỉ này nằm trong một thung lũng hẹp chạy dài theo hướng Bắc – Nam, bao bọc bởi nhửng ngọn đồi cao, bên cạnh một dòng suối nhỏ. Ngay trong năm 1995, di chỉ này đã được tiến hành khai quật và thu được rất nhiều hiện vật có giá trị, tiêu biểu là các loại hình hiện vật tô, bát, đĩa, vòng tay, chuỗi hạt…

Các nhà khoa học xác định, đây là một quần thể mộ táng của các cư dân bản địa Lâm Đồng, hình thành trong quá trình sinh sống lâu đời, với tục “chia của cho người chết”bằnghình thức tùy táng các đồ dùng sinh hoạt. Quá trình ấy đã diễn ra trong hàng trăm năm đã để lại cho hậu thế rất nhiều hiện vật có giá trị, ẩn chứa những quan niệm về triết lý nhân sinh của tộc người. Quá trình khai quật, các nhà khoa học đã làm xuất lộ hàng ngàn hiện vật với nhiều loại hình, chất liệu và kiểu dáng khác nhau.

Lưỡi xà gạc được rèn bằng sắt, có dáng hình tam giác, không cân đối; phần sống lưng hơi dày, có hai gờ nổi và mỏng dần về phía rìa lưỡi; phần cuối có đốc dùng để tra cán.

Xà gạc là vật dụng khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của các cư dân bản địa ở Lâm Đồng trước đây, như chặt cây, phát nương rẫy, hay trong các nghi lễ truyền thống.

Từ những đặc điểm của xà gạc, đối chứng với những hiện vật đang tồn tại trong đời sống đồng bào các dân tộc bản địa Lâm Đồng hiện nay, cho thấy đây là loại xà gạc dùng trong các nghi lễ truyền thống, được chôn theo người chết làm vật tùy táng theo phong tục xưa.

Danh mục: ,