MẢNH TƯỚC
– Chất liệu: Đá.
– Kích thước: Dài 6,75cm; rộng 6,8cm; dày 1,8cm.
– Kỹ thuật chế tác: Ghè, đẽo.
– Niên đại: Cách ngày nay khoảng 4.000 năm.
– Địa điểm và thời gian sưu tầm: Xã Nam Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng; năm 2008.
Thông tin hiện vật
Mảnh tước là mảnh đá tách ra khỏi phácvậttrong quá trình chế tác công cụ đá. Mảnh tước này được phát hiện tại hố khai quật số 1, lớp thứ nhất của di chỉ Hoàn Kiếm I (thôn Hoàn Kiếm, xã Nam Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng), trong đợt khai quật năm 2008.
Di chỉ Hoàn Kiếm được phát hiện năm 2007, nằm trong một dải thung lũng hẹp, bị chia cắt bởi những ngọn đồi dốc, xen giữa là những con suối nhỏ.Đầu năm 2008, di chỉđược tiến hành khai quật và thu được nhiều kết quả quan trọng. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện các lớp địa tầng văn hóa cùng hàng ngàn mảnh tước, phác vật, mảnh vỡ… trong các hố khai quật. Đây là một di chỉ mang tính chất của một công xưởng chế tác công cụ đá thời tiền sử. Nguyên liệu dùng chế tác chủ yếu là loại đá opal (một loại đá có đặc điểm rất cứng, phù hợp với việc chế tác công cụ với nguồn nguyên liệu có sẵn trong khu vực). Cụm công xưởng này có quy mô khá lớn, trải dài trên một diện tích rộng hàng km2, quanh lưu vực một con suối lớn.
Với những kết quả phát hiện, các nhà khoa học xác định di chỉ Hoàn Kiếm được xếp vào giai đoạn hậu kỳ đá mới, cách ngày nay khoảng trên dưới 4.000 năm.
Mảnh tước này thuộc loại lớn bằng đá Opal, màu nâu vàng, dạng vỏ sò, tách ra từ phác vật công cụ trong công đoạn định hình của quy trình chế tác đồ đá. Mặt sau của mảnh tước là phần dương lồi của vết ghè; điểm ghè rộng 1,4cm, u ghè thấp, dài 4,5cm, rộng 3,4cm.