MẢNH VÀNG

– Chất liệu: Vàng.
– Kích thước: Dài: 2.7cm, rộng 2.1cm.
– Kỹ thuật chế tác: Khắc miết.
– Niên đại: Thế kỷ VII – VIII.
– Địa điểm và thời gian sưu tầm: Xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, năm 2001. 
 
Nội dung hiện vật
 
Mảnh vàng được phát hiện trong lòng trụ giới kiến trúc tháp 2A (lớp trên, hướng chính bắc), trong đợt khai quật năm 2001 tại Di tích Khảo cổ Cát Tiên. Mảnh vàng được dát mỏng và cắt theo hình khắc con voi bằng kỹ thuật khắc miết, nét khắc khá đơn giản, mang tính chấm phá. Hình voi được khắc trong tư thế đứng, đầu cúi xuống, tai cụp, vòi đụng vào chân trước; hai chân trước trùng nhau, hai chân sau hơi lệch (theo tư thế đang bước), đuôi voi dài theo thế bước của chân sau. Trong Bà-la-môn giáo, voi là biểu tượng của vật linh và là vật cưỡi của thần Inđra hay còn gọi là thần Sấm sét, thần Chiến tranh, hay thần Hộ mệnh – một trong những vị thần tối thượng được các tín đồ tôn thờ. 
Hiện vật này là vật thiêng được các tín đồ thờ cúng trong đền tháp, phục vụ các nghi thức tôn giáo của cư dân xưa tại khu thánh địa Cát Tiên.
Di tích Khảo cổ Cát Tiên được phát hiện vào thập niên 80 của thế kỷ XX, là một quần thể kiến trúc tôn giáo, nằm trên địa bàn huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Các điểm di tích được phân bố trên diện tích hàng chục hecta, phần lớn các phế tích nằm ở khu vực tả ngạn sông Đồng Nai, nơi giáp ranh giữa 3 tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước.  
Trải qua gần 30 năm nghiên cứu, với 9 lần khai quật chính thức và nhiều cuộc điều tra, thám sát, các nhà khoa học đã làm xuất lộ hàng chục phế tích, kiến trúc tôn giáo như đền tháp, mộ tháp và các công trình phụ cận. Các nhà khoa học thống nhất cho rằng đây là khu “thánh địa” chịu ảnh hưởng sâu sắc của Bà-la-môn giáo.
Quá trình nghiên cứu, khai quật đã thu về hàng ngàn hiện vật có giá trị lịch sử – văn hóa, trong đó có trên 1.300 hiện vật tiêu biểu đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng và nhà trưng bày di tích.
 
Danh mục: ,