MẢNH VÀNG CÓ HÌNH 4 VỊ THẦN

– Chất liệu: Vàng.
– Kỹ thuật chế tác: Khắc miết.
– Niên đại: Thế kỷ VIII – X.
– Địa điểm và thời gian sưu tầm: Xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên- tỉnh Lâm Đồng; năm 1996.

Thông tin hiện vật:

Mảnh vàng có hình 4 vị thần được phát hiện tại gò 2A thuộc quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt Cát Tiên (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng), vào năm 1996. Di tích quốc gia đặc biệt Cát Tiên được phát hiện vào thập niên 80 của thế kỷ XX, là một quần thể kiến trúc tôn giáo lớn. Các điểm di tích được phân bố trên diện tích hàng chục hecta, phần lớn các phế tích nằm ở khu vực tả ngạn sông Đồng Nai, nơi giáp ranh giữa 3 tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước. Trải qua trên 30 năm nghiên cứu, với 9 lần khai quật chính thức và nhiều cuộc điều tra, thám sát, các nhà khoa học đã làm xuất lộ hàng chục phế tích, kiến trúc tôn giáo đền tháp và mộ tháp, thu về hàng ngàn hiện vật có giá trị lịch sử – văn hóa. Với quy mô đồ sộ như vậy, di tích Cát Tiên đã khẳng định được vai trò vô cùng quan trọng của một thánh địa chịu ảnh hưởng sâu sắc của Ấn Độ giáo.

Kiến trúc 2A là tháp có địa thế cao nhất nằm ở góc Tây nam của cụm di tích số 2, quy mô tương đối lớn với bình đồ kiến trúc hình chữ nhật. Đây là công trình kiến trúc dạng tháp thờ, có mái giật nhiều cấp thu dần lên đỉnh. Kiến trúc này được trang trí khá hoàn chỉnh với hoa văn đường diềm phân biệt đế tháp và thân tháp, hệ thống trụ áp tường hoa văn đăng đối, có nhịp điệu cân bằng.

Mảnh vàng có hình 4 vị thần được phát hiện tại trung tâm trong lòng tháp số 2A. Trên mãnh vàng khắc miết hình bốn vị thần ngồi trong tư thế nghiêng, có gương mặt trái xoan, sống mũi hơi cao, thẳng, miệng hẹp, vai vuông, ngực nở, tay chống trong nhiều tư thế.

Danh mục: ,