RÌU ĐỒNG
– Chất liệu: Đồng.
– Kích thước: Dài 8,2cm, rộng 7,4cm, dày 1,8cm.
– Kỹ thuật chế tác: Đúc từ khuôn hai mang.
– Niên đại: Cách ngày nay khoảng 2.500 năm.
– Địa điểm và thời gian sưu tầm: Xã Phù Mỹ, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, năm 2006
Thông tin hiện vật
Rìu đồng này được phát hiện tại di chỉ khảo cổ Phù Mỹ, xã Phù Mỹ (nay là địa bàn thị trấn Đồng Nai, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng), trong đợt khai quật năm 2006. Khu vực phát hiện di chỉ khảo cổ là một vùng đất bằng phẳng nằm ngay tả ngạn sông Đồng Nai.
Qua ba lần khai quật với quy mô khác nhau (1998 – 2006), di chỉ khảo cổ Phù Mỹ đã thu được hàng trăm hiện vật các loại (gồm các chất liệu chính là gốm, đá và kim loại), xuất lộ các lớp địa tầng văn hóa khá rõ nét (một dạng di chỉ rất hiếm ở Lâm Đồng). Các nhà khoa học thống nhất cho rằng, đây là một di chỉ cư trú thuần nhất của người xưa, được hình thành trong quá trình sinh sống lâu dài của các cư dân cổ thời kỳ kim khí. Di chỉ Phù Mỹ có nhiều nét tương đồng với nền văn hóa Đồng Nai nổi tiếng, phân bố cách đó không xa. Niên đại di tích được xác định vào khoảng 2.700 – 2.300 năm cách ngày nay.
Rìu đồng được chế tác bằng đồng thau, lưỡi xòe hình parabol, bị vỡ phần họng tra cán (đã được dán phục chế một mặt); lưỡi sắc, cong vát một bên. Trên thân có một chỉ nổi chạy quanh; bề mặt lưng rìu thẳng.
Rìu được đúc từ loại khuôn hai mang, dấu giáp khuôn còn để lại dọc theo rìa thân rìu. Có một chỉ nổi, sắc ở mặt lưng nhưng không nổi rõ ở mặt trước. Có thể rìu chưa được sử dụng trong đời sống của cư dân tiền sử,vìvẫn còn dấu vết của gờ nổi áp giữa hai khuôn. Đây là công cụ dùng trong lao động sản xuất của người xưa, thuộc thời kỳ kim khí, có niên đại cách ngày nay khoảng 2.500 năm.