TÔ SAWANKHALOK

– Chất liệu: Bán sứ.
– Kích thước: Đường kính miệng 18,5cm, đường kính đáy 7,7cm, cao 8,8cm.
– Kỹ thuật chế tác: Dùng bàn xoay, ống kê.
– Niên đại: Thế kỷ XV – XVI.
– Địa điểm và thời gian sưu tầm: Xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng; năm 1983.

Thông tin hiện vật:

Tô này được phát hiện tại di chỉ mộ táng Đại Làng trong đợt khai quật năm 1983. Di chỉ này nằm trong một thung lũng bằng phẳng tại khu vực giáp ranh giữa xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm) và phường Lộc Tiến (thành phố Bảo Lộc) của tỉnh Lâm Đồng. Khu vực này được người dân phát hiện năm 1980 trong quá trình canh tác nương rẫy, đến năm 1983, di chỉ đã chính thức được tiến hành khai quật. Đây là một quần thể mộ táng của các cư dân bản địa Lâm Đồng được hình thành trong quá trình sinh sống lâu đời. Với tục “chia của cho người chết” các cư dân cổ nơi đây đã để lại cho hậu thế rất nhiều hiện vật có giá trị chứa đựng những quan niệm về triết lý nhân sinh của tộc người.

Tô này có nguồn gốc từ Thái Lan, được người dân nơi này sử dụng. Ở Thái Lan, vào thời kỳ Sukhothai (thế kỷ XIII – XIV), xuất hiện các trung tâm gốm khá phát triển và chịu ảnh hưởng sâu sắc về kỹ thuật của gốm sứ Trung Hoa và Việt Nam. Sang thế kỷ XV – XVI, dòng gốm từ vùng Sawankhalok (một địa danh nằm phía tây bắc Thái Lan) rất phát triển và tham gia tích cực vào thị trường xuất khẩu gốm sứ của khu vực, thông qua cả đường biển và đường bộ. Về đặc điểm, dòng gốm này có xương gốm xốp, màu hồng nhạt, pha nhiều cát. Men chủ đạo có màu xanh lục phủ không hết đáy; hoa văn trang trí thể hiện theo lối ám họa, với các chủ đề đơn giản.Gốm sứ Thái Lan được phát hiện ở Lâm Đồng trong các di chỉ mộ táng cùng với các dòng gốm khác, tuy nhiên chiếm số lượng không lớn. Các loại hình chủ yếu là đồ gia dụng như tô, đĩa với kích thước trung bình và lớn.

Tô có dáng miệng loe, thành cong thu dần về đáy;chân đế cao, tạo hình vành khăn. Bề mặt phủ men màu xanh ngọc (thuộc hệ thống men lục), quanh tô có hiện tượng men chảy, men phủ không hết đế.Mặt trong thành tô, giữa những đường tròn song song có những đường khắc vạch tạo thành cánh hoa bao quanh; kỹ thuật trang trí: ám họa (vẽ dưới men).

Danh mục: ,