TRỐNG ĐỒNG
– Chất liệu: Đồng.
– Kích thước: Đường kính mặt 55cm; cao 39,5cm.
– Kỹ thuật chế tác: Đúc.
– Niên đại: Cách ngày nay khoảng 2.000 năm.
– Địa điểm và thời gian sưu tầm: Thôn 2, xã Hà Lâm, huyện Đạ Hoai, tỉnh Lâm Đồng; năm 2003.
Thông tin hiện vật
Trống đồng được người dân phát hiện khi trồng cây trong vườn nhà tại thôn 2, xã Hà Lâm (huyện Đạ Hoai, tỉnh Lâm Đồng), năm 2003. Khi mới phát hiện, tình trạng trống bị vỡ thành nhiều mảnh, bề mặt bị ô xi hóa nhiều.Sau đó, trống đã được phục chế để trưng bày phục vụ khách tham quan.
Trống đồng có mặt phẳng, thân phình đều, tang đứng, chân choãi đều; dáng cân đối với hai cặp quai đối xứng, cách đều nhau khoảng 18cm, trang tríhoa văn hình bông lúa. Tang trống có những đường văn chạy vòng quanh theo motype những đường gạch song song và những đường chữ S nối nhau, nhưng đã bị mờ.
Mặt trống đường kính 55cm, tâm có hình ngôi sao 12 cánh nổi, quanh ngôi sao là dải hoa văn gồm ba vòng tròn đồng tâm: hai dải hẹp, mỗi dải rộng 1,0cm có trang trí hoa văn hình bông lúa, chim Lạc.Vành ngoài của dải hoa văn này là mộtkhoảng trống rộng chừng 4cm, có hình từng cặp chim Lạc đang bay ngược chiều kim đồng hồ, xen kẽ với hoa văn hình quả trám. Quanh rìa mặt trống trang trí hoa văn là các đường gạch thẳng song song, chữ S và các vòng tròn tiếp tuyến nối tiếp nhau… Trên mặt trống có dấu vết kẻ lại các hoa văn với nét thô và 4 tượng cóc nằm cách đều,nhưng dấu vết khá mờ nhạt do có hiện tượng mài xóa dấu vết.
Trống đồng được xếp vào loại trống HegerI, nhóm C, lần đầu tiên phát hiện trong lòng đất ở Lâm Đồng. Trốngđồng là nhạc cụ tiêu biểu mang tính chất đặc trưng của nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng ở Việt Nam, niên đại cách ngày nay khoảng 2.000 năm.