BÁCH XANH

Bách xanh, còn có những tên gọi khác như Tùng hương, Pơ mu xanh, Tô hạp bách, tên khoa học là Calocedrus Macrolepis, Kurz, họ Hoàng đàn, Trắc bách (Cupressaceae), chi Calocedrus.

Bách xanh có phân bố tự nhiên ở Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Thái Lan. Tại Việt Nam, cây phân bố hỗn giao trong rừng lá thông thường xanh, ven suối và nơi ẩm ướt, độ cao từ 1.200 – 1.600m, như Hà Tây, Sơn La, Lâm Đồng.

Bách xanh là loài cây gỗ lớn thường xanh, cao 15 – 25m, đường kính thân 20 – 70cm. Vỏ thân cây màu nâu đen, có nhiều vết nứt dọc. Cây phân cành sớm, các cành to mọc ngang, trong cành ngang có nhiều cành con nhỏ. Cành mang lá dẹp, thường xếp đứng.

 Lá Bách xanh thuộc loại to, dài khoảng 5mm, lá nhỏ 2mm, mặt trên lá có màu lục thẫm, mặt dưới lá màu bạc hơn. Lá dạng vảy, xếp sát nhau trên cành thành từng đốt, mỗi đốt có 2 lá, đầu có mũi nhọn dài 0,4 – 0,5mm. Tán lá hình tháp, phân cành thấp, độ phân cành thường bằng 1/3 chiều cao cây. 

Nón đơn tính cùng gốc, nón cái hình bầu dục dài 1,2 – 1,8mm, rộng 0,5 – 0,6mm, hóa gỗ và nứt thành hai mảnh bên và một mảnh giữa mang hai hạt, mỗi hạt có hai cánh không bằng nhau. Mùa quả chín vào tháng 8 – 9 hàng năm.

Bách xanh có thớ gỗ thẳng, tương đối mịn, khi khô ít bị nứt nẻ, thường không bị biến dạng hay mối mọt. Gỗ cứng cáp, có màu trắng đẹp và độ bền khá cao, nên được dùng để làm nhiều đồ gia dụng và thủ công cao cấp. Gỗ còn có mùi thơm, nên thường dùng làm bột nhang, vừa tạo mùi dễ chịu vừa giúp xua đuổi côn trùng hiệu quả. Ngoài ra, Bách xanh có tán lá đẹp có thể trồng để làm cảnh.

Trong bảng phân loại gỗ Việt Nam, Bách xanh được xếp vào nhóm IA. Hiện nay, loài gỗ quý này thường bị khai thác trái phép, nên số lượng cá thể còn rất ít, chỉ tìm thấy một số vùng nhỏ có cây con tái sinh. Vì vậy, rất cần phải bảo vệ và gây trồng.