BAUXITE

Bauxite là một loại quặng nhôm hình thành trên các loại đá có hàm lượng sắt thấp hoặc sắt bị rửa trôi trong quá trình phong hóa. Quá trình hình thành trải qua các giai đoạn: phong hóa và nước thấm lọc vào trong đá gốc tạo ra ôxít nhôm và sắt; làm giàu trầm tích hay đá đã bị phong hóa bởi sự rửa trôi của nước ngầm; xói mòn và tái tích tụ Bauxite.

Các quặng Bauxite tìm thấy phân bố chủ yếu ở khu vực nhiệt đới, Caribe, Địa Trung Hải và vành đai xung quanh xích đạo, ở các vùng lãnh thổ như Úc, Nam và Trung Mỹ (Jamaica, Brazil, Surinam, Venezuela, Guyana), châu Phi (Guinea), châu Á (Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam), Nga, Kazakhstan và châu Âu (Hy Lạp). Ở Việt Nam, Bauxite phân bố phổ biến ở các tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn và Tây nguyên.

Quặng Bauxite ở Việt Nam thuộc 2 loại chính: Bauxite nguồn gốc trầm tích tập trung ở các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Sơn La và Nghệ An; Bauxite nguồn gốc phong hoá Laterit từ đá Bazan tập trung ở các tỉnh phía Nam như Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Phú Yên và Quảng Ngãi.

Quặng nhôm Bauxite Laterit ở Lâm Đồng rất phong phú, có mặt trong lớp vỏ phong hóa Bazan tuổi Neogen-đệ tứ. Phong hóa Laterit tạo ra Bauxite Laterit, phát triển mạnh nhất vào cuối thập kỷ Pleixtoxen sớm đến Pleixtoxen muộn. Bazan ở Di Linh, Bảo Lộc thuộc loại Pleixtoxen sớm. Vì vậy, đây là vùng tập trung của Bauxite Lâm Đồng. Đới quặng phổ biến nằm ở độ sâu từ 1,5 – 15m (tính từ mặt đất), gồm: lớp quặng dạng vỏ cầu, que, tổ ong, dày 0,5 – 5m; kế đến là lớp quặng Bauxite dạng nâu đỏ, đôi chỗ lốm đốm vàng, dày 2 – 4m; dưới cùng là lớp quặng Bauxite màu xám, vàng nhạt, dễ vỡ, nhẹ, đôi chỗ thấy nhiều đốm trắng (do Fenpat phong hóa còn dư), dày 2 – 3m. 

Hiện có hàng chục khoáng vật chứa nhôm như sillimanite Al2SiO5, Cryolite Na3AlFe, Corundum Al2O3, Nepheline (Na,K) AlSiO4, Kaolinite…, nhưng chỉ có Bauxite là loại đá độc tôn để luyện ra nhôm. Bauxite thường được sử dụng làm lò cao, ximăng, sản xuất nhôm, phễu rót kim loại lỏng, hồ ngâm vật liệu, lòng lò nung…

Diện tích quặng vùng Di Linh – Bảo Lộc của tỉnh Lâm Đồng rộng hàng chục nghìn ha, cho trữ lượng hàng tỷ tấn. Nhiều năm nay, đã có khai thác tuyển quặng công nghệ thủ công, mỗi năm khoảng 5.000 tấn. Triển vọng khai thác Bauxite Lâm Đồng rất lớn, do quặng có chất lượng khá tốt, nguồn thủy điện trong tỉnh phong phú, điều kiện khai thác thuận lợi.