BỌ CẠP

Bọ cạp là loài chân đốt ăn thịt, có 8 chân, thuộc phân ngành Chelicerata, lớp Arachnida, bộ Scorpiones. Ước tính trong tự nhiên hiện có khoảng 1.500 loài Bọ cạp, phân bố ở khắp nơi trên thế giới, phổ biến ở các vùng sa mạc.
 
Thân bọ cạp chia làm 2 phần: đầu ngực (đốt thân trước) và bụng (vùng thân sau). Phần bụng bao gồm bụng dưới và đuôi. Đuôi bọ cạp gồm có 6 đốt. Đốt cuối cùng của bọ cạp có hậu môn, một cặp tuyến độc và một mũi tiêm nọc độc. 
 
Không giống các loài thuộc lớp Nhện, Bọ cạp đẻ con. Bọ cạp con được sinh ra từng con một và bám trên lưng mẹ cho tới khi chúng trải qua ít nhất một kỳ lột xác. Trước kỳ lột xác đầu tiên, Bọ cạp con không thể sống sót nếu không phụ thuộc vào mẹ chúng. Chúng lớn lên sau 5 – 7 lần lột xác. Việc lột xác bắt đầu bởi lớp xương trong, khi lớp giáp ở mép đốt thân trước bị nứt. Những chân kìm và chân của chúng sẽ được lột đầu tiên, sau đó đến phần bụng. Khi lột xác xong, lớp giáp của chúng rất mềm và dễ bị tổn thương. Quá trình làm cứng lại lớp giáp này gọi là sự xơ cứng. Bộ giáp ngoài mới đầu không có màu, nhưng khi trở nên cứng cáp sẽ có màu huỳnh quang.
 
Bọ cạp ăn những động vật chân khớp nhỏ và sâu bọ. Chúng dùng càng để bắt mồi. Tùy vào lượng nọc độc và kích cỡ càng mà bọ cạp sẽ chích độc hay dùng càng ép con mồi. Cách này có thể làm tê liệt, thâm chí là giết chết mồi để sau đó bọ cạp có thể ăn. Bọ cạp sử dụng chân kìm, là những vuốt nhỏ từ miệng để chia nhỏ con mồi ra cho dễ tiêu hóa. Bọ cạp chỉ có thể tiêu hóa thức ăn ở một dạng chất lỏng nhất định, bất kỳ chất rắn nào (lông, bộ xương ngoài… của con mồi) đều bị chúng bỏ lại.
 
Bọ cạp thích sống ở nơi có nhiệt độ khoảng 20 – 350C, nhưng giới hạn chịu đựng khoảng 14 – 450C. Bọ cạp là động vật sống về đêm và hay đào bới. Chúng đào hang để tìm nơi trú ẩn mát mẻ, thường là mặt dưới các tảng đá, ban đêm ra ngoài săn mồi.