CẨM LAI
Cẩm lai, còn gọi là Cẩm lai bà rịa, có tên khoa học là Dalbergia Bariaenris Piecre, họ Đậu (Fabaceae).
Cẩm Lai là loài đặc hữu ở Đông Dương, thường mọc hỗn giao trong rừng lá rộng thường xanh hay rụng lá vào mùa mưa. Cẩm lai có ở các vùng đất Lào hoặc Campuchia với kiểu khí hậu gần giống ở Việt Nam. Tại Việt Nam, Cẩm lai phân bố tại các tỉnh Tây Nguyên và miền Nam, như Đồng Nai, Tây Ninh.
Cẩm lai là cây gỗ lá rộng thường xanh, có tán hình dù, cao 20 – 25m, phân cành thấp. Vỏ màu nâu xám, có điểm đốm trắng hay màu nâu vàng, bong ra dạng vảy lớn. Phiến lá kép lông chim một lần, mang 10 – 13 lá chét, dài 15 – 19cm, lá chét hình mác hay thuôn, tù ở hai đầu, nhẵn, không lông, dài 3 – 4cm, rộng 1 – 2cm. Cụm hoa hình chùy, mọc ở nách lá hay đầu cành. Hoa nhỏ màu nâu đỏ, quả đậu dẹt dài 12cm, rộng 2 – 2,5cm, hơi thắt eo ở chỗ có hạt. Hạt dẹt, dài 0,8 – 0,9cm, rộng 0,5 – 0,6cm, màu đen. Mùa hoa và mùa quả chín thường vào khoảng tháng 10 – 12 hàng năm.
Gỗ Cẩm lai thuộc nhóm gỗ quý hiếm nhóm IA, nhóm những loại gỗ quý, có vân gỗ đẹp và mang lại giá trị kinh tế cao. Gỗ Cẩm lai rất cứng, thớ mịn, có vân đẹp, dùng để đóng bàn ghế, đồ mỹ nghệ trang trí… Gỗ Cẩm lai đã và đang bị khai thác quá mức khiến chúng dần trở nên khan hiếm. Hiện nay, khó có thể tìm thấy những cá thể Cẩm lai có đường kính quá 4cm, quần thể ngày càng bị thu hẹp đang cần bảo tồn cấp bách.