CẦY GẤM
Cầy gấm, còn có tên là Cầy chín khoang, tên khoa học là Prionodon Pardicolor, bộ Thú ăn thịt Carnivora, họ Cầy Viverridae.
Trên thế giới, Cầy gấm phân bố ở Ấn Độ, Nêpan, Mianma, Bu Tan, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Malaixia, Inđônêxia. Tại Việt Nam, Cầy gấm phân bố ở Cao Bằng, Lào Cai, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Thuãn.
Cầy gấm có thân hình thon dài, bộ lông mịn xốp màu vàng nhạt, có nhiều đốm nâu đen từ cổ đến gốc đuôi và đùi, bốn sọc đen từ gáy đến bả vai. Phần bụng và họng sáng trắng hơn phần lưng. Đuôi dài tròn đều, có 9 vòng khoang đen nên còn được gọi là Cầy chín khoang. Chúng chỉ có một răng hàm ở hàm trên (khác với các loài trong họ Cầy). Cầy gấm có chiều dài thân 350 – 370mm, chiều dài đuôi 310 – 340mm, dài bàn chân sau 65 – 75mm, dài tai 25 – 36mm, trọng lượng 4 – 5kg.
Cầy gấm sống và hoạt động chủ yếu ở rừng thứ sinh có nhiều dây leo, cây bụi. Chúng hoạt động ban đêm, chủ yếu ở trên cây, thỉnh thoảng xuống đất.Thức ăn gồm chuột, rắn, ếch nhái, chim nhỏ,…
Cầy gấm sống đơn độc, mùa động dục hoặc nuôi con sống thành nhóm. Mùa động dục của chúng từ tháng 2 – 8, mỗi lứa đẻ 2 con và nuôi con trong hốc cây.